____Du lịch BỤI____

RSS
Hiển thị các bài đăng có nhãn Du lịch Cà Mau. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Du lịch Cà Mau. Hiển thị tất cả bài đăng

Cà Mau: Phấn đấu đón 1,2 triệu lượt khách du lịch nội địa trong năm 2015

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cà Mau cho biết, Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau đã phê duyệt quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh giai đoạn 2014 - 2015 và 2015 - 2020. Theo đó, Cà Mau phấn đấu năm 2015 đón 1,2 triệu lượt khách nội địa và 30 nghìn lượt khách quốc tế.



Đến năm 2020, tỉnh Cà Mau phấn đấu đón 1,7 triệu lượt khách nội địa và 50 nghìn lượt khách quốc tế và đến năm 2030 thu hút khoảng 2,8 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 110 nghìn khách quốc tế. Tỉnh cũng đặt ra mục tiêu nâng cao nguồn thu từ du lịch, đạt khoảng 1.150 tỷ đồng vào năm 2015 và khoảng 2.610 tỷ đồng vào năm 2020; đến năm 2030 phấn đấu đạt khoảng 7.160 tỷ đồng.

Cà Mau cũng sẽ tập trung thực hiện phương án xã hội hóa trong đầu tư và phát triển du lịch từ nay đến năm 2020. Cụ thể, đến năm 2020, tỉnh Cà Mau huy động 500 tỷ đồng để phát triển du lịch; trong đó sẽ có 400 tỷ đồng được huy động từ chủ trương xã hội hóa, còn lại 100 tỷ đồng sẽ từ ngân sách Trung ương và địa phương.

Để phát triển du lịch bền vững, những năm qua, ngành du lịch tỉnh Cà Mau đã nỗ lực khắc phục khó khăn, thách thức, phát huy có hiệu quả lợi thế về tài nguyên, nguồn lực nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch, gắn du lịch với xóa đói giảm nghèo, ổn định xã hội, an ninh chính trị.

Với hệ sinh thái đa dạng và là điểm tận cùng cực Nam của Tổ quốc, Cà Mau có nhiều lợi thế trong phát triển du lịch. Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả tiềm năng sẵn có, Cà Mau cũng đang đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực này.

Trọng điểm du lịch của Cà Mau được xác định là Đất Mũi, Khai Long, Hòn Khoai, Hòn Đá Bạc, vườn quốc gia, các cửa biển, sân chim, các khu di tích văn hóa, lịch sử… Cũng theo quy hoạch du lịch của địa phương này, đến năm 2020, Cà Mau sẽ đào tạo 500 cán bộ quản lý, hướng dẫn viên du lịch để có đủ nguồn nhân lực phục vụ cho nhu cầu phát triển du lịch trong tình hình mới, nhất là quá trình hội nhập, công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Tỉnh Cà Mau quyết tâm đặt mục tiêu xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong nền kinh tế, góp phần vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, nâng cao thu nhập và chất lượng đời sống cho nhân dân địa phương; khai thác có hiệu quả lợi thế về vị trí địa lý và tiềm năng du lịch để hình thành các sản phẩm du lịch có thương hiệu và mang tính đặc thù của địa phương./.


  • Digg
  • Del.icio.us
  • StumbleUpon
  • Reddit
  • RSS

Du lịch Cà Mau phần 2: "Sinh thái rừng mặn - ngọt"

Tình đất hiền hòa, tình người hào sảng, mến khách Cà Mau luôn nồng nhiệt chào đón khách thập phương đến tham quan, thưởng ngoạn cảnh sắc đặc trưng của biển, rừng đất mũi.
Độc đáo cảnh quan rừng


Hệ sinh thái rừng tràm U Minh Hạrừng đước Mũi Cà Mau, cùng những nét văn hóa của người dân nơi đây ngay từ thời khai hoang mở cõi, đã tạo nên bản sắc đặc trưng của đất và người Cà Mau. Rừng tràm U Minh Hạ với diện tích khoảng 30.000ha, trải dài ở 3 huyện U Minh, Thới Bình và Trần Văn Thời, là hệ sinh thái rừng ngập nước phong phú, đa dạng về chủng loài động-thực vật. Tiêu biểu cho hệ sinh thái này là Vườn Quốc gia U Minh HạLâm ngư trường Sông Trẹm, được quy hoạch thành khu du lịch sinh thái, nhằm bảo tồn, tái tạo cảnh quan thiên nhiên, các nguồn gien động - thực vật quý hiếm; sử dụng bền vững tài nguyên rừng, các sản phẩm dưới tán rừng... Đã có rất nhiều du khách đến với Cà Mau thích thú khi được bơi xuồng dưới dòng nước nâu đỏ len lỏi vào rừng với ríu rít tiếng chim và thơm dịu hương tràm. Hay có thể dừng chân nghỉ ngơi dưới bóng tràm, thưởng thức các món đặc sản xứ rừng bên ly rượu mật ong thơm cay, ngẫu hứng cất lên vài câu vọng cổ, hòa mình với thiên nhiên để dễ dàng rũ bỏ những ưu tư, muộn phiền, để thấy cuộc sống thêm phần ý nghĩa. Nếu có cơ hội gặp những ông già phong ngạn, hay những cựu chiến binh, du khách sẽ được nghe những câu chuyện huyền thoại về nghề rừng, về chiến trường xưa…
 
Khu du lịch sinh thái rừng U Minh Hạ
Khu du lịch sinh thái rừng U Minh Hạ
Tiêu biểu cho hệ sinh thái rừng ngập mặn là Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau. Đến đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng cảnh trùng trùng điệp điệp rừng mắm, rừng đước, được tận mắt nhiều chủng loài động vật quý hiếm. Nơi đây có chế độ thủy triều khác nhau, tạo nên một vùng lắng đọng phù sa cứng dần thành bãi bồi, là nơi duy nhất trên cả nước có thể nhìn thấy mặt trời mọc trên biển Đông và lặn ở phía biển Tây. Sinh cảnh tự nhiên nơi đây và rừng ngập mặn thi nhau lấn biển, tạo nên những bãi bồi độc đáo rất thích hợp để phát triển du lịch sinh thái. Đến với Đất Mũi, du khách sẽ được ngắm nhìn mốc tọa độ quốc gia - biểu trưng cho sự toàn vẹn của đất nước Việt Nam, thưởng thức những món ngon đậm đà hương biển: Hàu, sò huyết, ốc len, tôm, cua… mà chắc hẳn khó lòng quên được.
 
Làng quê rừng U Minh Hạ
Làng quê rừng U Minh Hạ
Vẻ đẹp của biển đảo
Hệ thống biển-đảo Cà Mau gồm các cụm đảo nổi tiếng: Hòn Khoai, Hòn Chuối, Hòn Đá Bạc… Các cụm đảo này vừa có vị trí quan trọng trong an ninh quốc gia, vừa là thắng cảnh thơ mộng, đã và đang được khơi nguồn phát triển du lịch.
Hòn Khoai là thắng cảnh nằm ngoài biển Đông, cách đất liền khoảng 15km, là đảo có rừng và đồi gần như còn nguyên vẹn, với quần thể động-thực vật phong phú và nhiều loài gỗ quý, cảnh quan thiên nhiên hoang dã luôn hấp dẫn khách du lịch. Hòn Khoai còn là vị trí đèn biển quan trọng của biển Đông và Vịnh Thái Lan. Tháp Hải đăng nơi đây là một trong những công trình đèn biển có mặt sớm nhất tại hải phận Việt Nam. Hòn Khoai còn có ý nghĩa lịch sử quan trọng, là di tích cách mạng nổi tiếng ở miền Tây Nam Bộ, được đánh dấu bằng cuộc khởi nghĩa của anh hùng Phan Ngọc Hiển năm 1940.

Vườn dâu Cái Tàu - U Minh

Xung quanh Hòn Đá Bạc có nhiều tảng đá nối liền, cây cối rậm rạp bao phủ. Trên triền núi là bộ xương cá ông, vị cứu tinh của người dân xứ biển. Hòn Đá Bạc lúc nào cũng rì rào sóng biển. Tại đây, du khách được hiểu thêm về thắng lợi của Kế hoạch phản gián CM12, đó là kết quả của trí tuệ, bản lĩnh chính trị, lòng dũng cảm và sự sáng tạo của lực lượng Công an Nhân dân Việt Nam; thể hiện sức mạnh của sự đoàn kết chiến đấu. Cụm đảo Hòn Chuối thuộc vùng biển Sông Đốc (Trần Văn Thời). Đây là thắng cảnh giàu tiềm năng thủy sản, là điểm nghỉ chân, trú bão của nhiều ngư dân, với đặc sản mít, xoài…

Đất mũi Cà Mau
Khai Long nằm gọn trong vành đai rừng đước ngập mặn của Mũi Cà Mau, có bãi biển cát vàng tương đối bằng phẳng, được tạo nên bằng sự phân hủy của vỏ sò, vỏ ốc… Nơi đây có bờ biển bao bọc, đất đai màu mỡ thích hợp cho nhiều loài cây ăn trái phát triển. Thơ mộng và thú vị hơn nếu bạn chọn chuyến đi vào những đêm trăng, con nước ròng sẽ làm cho bãi biển dài hơn. ở đây còn ẩn giấu huyền thoại Khai Long, nơi gặp nhau của biển, trời và đất để sinh ra rồng của vùng biển hoang sơ.

Không những thế, Cà Mau còn có nhiều điểm du lịch nổi tiếng: Lâm ngư trường 184, hay Lâm viên Cà Mau có vườn chim nhân tạo và các loài chim khác bay về trú ngụ ngay giữa lòng thành phố; các dịch vụ du lịch tư nhân như vườn dâu Cái Tàu - U Minh… cũng đang lấy lòng được du khách gần xa.


Theo Báo Đất Mũi

  • Digg
  • Del.icio.us
  • StumbleUpon
  • Reddit
  • RSS

Về Cà Mau thăm "Chợ tình Ba Khía"

Hàng năm, vào mùa nước lên (khoảng từ tháng 8 đến tháng 10 âm lịch), ở Cà Mau, từ những hang ổ dày đặc dưới gốc đước, gốc mắm bị chìm trong nước, ba khía bò lên nhiều không biết bao nhiêu mà kể, chen chúc nhau bám vào những thân đước, thân mắm. Gọi là “Chợ tình ba khía” cho vui chứ thực ra là ở thời điểm này ba khía quần hội cả một vùng, cư dân nơi đây gọi là “ba khía hội”.

Họ hàng ba khía sống tập trung ở môi trường nước lợ, nơi các cửa sông, cửa rạch đổ ra biển, ba khía có nhiều nhất ở các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu... Thoạt trông ba khía rất giống cua đồng hoặc giống con chù ụ ở biển Ba Động, Trà Vinh nhưng vóc dáng nhỏ hơn, càng và ngoe dẹp có thêm ba vạch ở trên chiếc mai màu sẫm nên “chết danh” ba khía. Rất ngộ, đúng cữ tháng 8, tháng 10 âm lịch hàng năm, từng cặp ba khía lềnh khềnh bu kín gốc tràm, mắm. Mỗi năm chúng chỉ xuất hiện khoảng vài ngày, sau đó chúng tản đi đâu hết và năm sau đến hẹn lại lên. Chúng bám nhau sát rạt từng đôi, từng đôi một dày đặc cả một vùng như thể tổ chức “đám cưới tập thể” vậy. Tầm đó ba khía giao phối, sinh sản, cũng là lúc thịt ba khía chắc và ngon nhất. Nét độc đáo của “chợ tình ba khía” ở Cà Mau đã tạo nên điểm nhấn đặc biệt cho vùng đất này.
 
Ba khía Rạch Gốc
Ba khía Rạch Gốc
Ngay tại vùng Đất Mũi cũng có sự phân chia khu vực sinh sống của ba khía. Chỉ ba khía vùng Rạch Gốc, Tân Ân là có thịt ngon, thơm và rất chắc. Ba khía vùng này ăn trái đước, vẹt, đặc biệt là trái mắm đen - thứ cây có nhiều rễ bám sâu vào lòng đất của vùng bãi bồi, hàng năm rụng trái làm đen cả nước - nên gạch son nhiều và thịt chắc, ăn rất thơm. Những người sống ở Rạch Gốc cho biết ba khía có hai loại ngon: Một là loại có càng to màu xanh chuyên sống trong hang, dưới nước và trong các khu rừng ngập mặn. Hai là loại ba khía thân mảnh, càng nhỏ nhưng kẹp rất đau. Còn loại ba khía ăn trái mắm trắng có gạch màu tro thì ăn không ngon bằng.
Ba khía cặp đôi
Ba khía cặp đôi
Vào mùa ba khía “sánh đôi”, những người dân chuyên nghề “làm ba khía” tứ phương gói ghém gạo, muối, nước, nóp ngủ, khạp da bò, khạp ba vú... chất xuống xuồng, neo đậu ở bìa rừng đợi đêm xuống, khi nước lớn ba khía kéo hàng đàn ra. Ban đêm ở rừng “muỗi kêu như sáo thổi”, những người thợ “săn ba khía” mặc áo dày, che kín mặt mũi, chân tay, lấy vỏ tràm hay lá mắm khô xé nhỏ độn bên trong áo chống muỗi, cầm đuốc, bơi xuồng bắt đầu “mùa săn”. Chỉ cần ghé xuồng vào các gốc đước, ba khía bám đầy không có chỗ trống vuốt nhẹ những “anh - chị” ba khía còn đang say sưa tình tự, cho vào khạp hoặc cần xé đặt sẵn trên khoang. Trong một con nước, một người có kinh nghiệm và cần mẫn có thể bắt được một khạp đầy ba khía. Ngày trước, nghề làm ba khía bị xem là nghề hạ bạc của con nhà nghèo bởi muốn bắt phải ngủ rừng, ăn cơm bờ bụi, chịu muỗi vắt bu kín mình mẩy. Ca dao cũng ghi dấu mùa “săn ba khía”:
Tháng bảy nước chảy Cà Mau

 Tháng mười ba khía hội kéo nhau đi làm
 U Minh, Rạch Gốc, rừng tràm
 Muỗi kêu kệ muỗi tao ham ba khía rồi.

Người ta còn gọi Cà Mau là xứ sở con ba khía bởi nó gắn bó với người nông dân ở đây từ thời lập cõi mở đất để đến bây giờ món ba khía muối trở thành món “lừng danh Cà Mau”. Muối ba khía cũng phải có kinh nghiệm và kỹ thuật, quá trình đơn giản nhưng cách pha nước muối thế nào cho vừa là khó, nếu muối chưa đủ mặn, con ba khía sẽ bủng, không để được lâu. Cho nên phải qua hai lần nước muối, con ba khía mới giữ được màu sắc như khi còn sống, thịt vẫn chắc, mặn dịu, ăn ngon. Kinh nghiệm pha nước muối là bỏ hạt cơm nguội vào, nếu hạt cơm nổi lờ đờ là được. Nước muối chuẩn bị xong thì cho ba khía vào khạp da bò hoặc khạp ba vú ngâm. Tuyệt đối không để nước mưa lọt vào, nếu không ba khía sẽ bị “trớ”, có mùi hôi. Phần nước muối còn lại trong khạp khi đã ăn hoặc bán hết ba khía dùng để nấu nước mắm rất ngon.

Cây bẹo treo ba khía ở Chợ nổi Cà Mau
Cây bẹo treo ba khía ở Chợ nổi Cà Mau
Tương truyền, “Công tử Bạc Liêu” Ba Huy rất thích món ba khía muối. Chàng công tử “đốt tiền nấu trứng tỏ ra mình giàu” ấy ăn ba khía để nhắc bản thân mình nhớ cha ông thuở mở đất khai hoang đã đổ mồ hôi sôi nước mắt gây dựng cơ nghiệp. Thế mới biết cái món “chân quê” ấy đâu chỉ dành riêng cho người nghèo mà đó còn là “hồn quê”, là món ăn không thể nhạt phai trong tâm khảm bất cứ người nào đã từng sống, đã từng thưởng thức nó tại vùng sông nước Nam Bộ. Bởi vậy người miền Tây có câu “Đừng lo cưới vợ miệt đồng/Ba khía cơm nguội ăn ròng cả năm”.

Ba khía muối trộn tỏi ớt
Ba khía muối trộn tỏi ớt
Từ vài năm nay, người ta chế biến thêm một vài món từ ba khía nhằm phục vụ nhu cầu ăn uống đang trở nên ngày càng đa dạng: Ba khía rang me, ba khía rang mỡ hành, ba khía luộc “khan” chấm muối tiêu chanh ớt, cháo ba khía, gỏi ba khía... Độc đáo hơn còn có món canh chua ba khía. Trước tiên, rửa ba khía thật sạch đất bùn, sau đó bóc yếm và bẻ đôi làm hai nửa, tách càng, gọng. Tất cả ướp cùng hành lá giã nhuyễn, thêm đường, chút nước mắm, ít tiêu vào trộn đều. Bắc chảo dầu lên bếp, phi tỏi thật thơm rồi cho ba khía đã ướp vào xào sơ. Khi mùi thơm của ba khía bốc lên, cho cà chua đã bổ miếng vào, đảo đều và nhanh tay cho nước sôi để nguội với lượng vừa ăn. Đợi nồi canh sôi bùng lên, lọc trái giác (một loại quả chua) và một ít bắp chuối đã thái chỉ vào. Ba khía chín, nêm gia vị lại lần nữa cho vừa miệng rồi tắt bếp, rắc thêm tiêu.
Ba khía luộc khan
Ba khía luộc khan
Nói gì thì nói, ba khía có chế biến thành trăm món ngon khác thì cũng không “qua mặt” được món nguyên thủy: ba khía muối! Nếu giản dị thì xúc tô cơm nguội, vừa ăn vừa lấy tay bóc con ba khía muối, nút càng chùn chụt đúng điệu dân miền Tây. Công phu hơn thì trụng ba khía bằng nước cơm còn ấm, tách yếm ba khía, bẻ ngoe, càng ướp tỏi ớt giã nhuyễn, thêm chút đường cát trắng, thêm nước cốt chanh, xắt trái khế thiệt mỏng hay đập dập mấy trái cóc non bỏ vô tô trộn đều, để một chút cho ba khía thấm gia vị... Khi ăn nhất định phải có đầy đủ rau ăn kèm thì ăn món ba khía mới “bắt”, đó là dưa leo, chuối chát, rau thơm, rau răm, rau dừa, bông lục bình... Nhiều người ăn cầu kỳ còn phi mỡ tỏi cho thơm rồi tưới lên tô ba khía đã ướp để tăng độ béo. Món ba khía lúc này đã trở nên tuyệt hảo, ngon nhức răng. Dưa bồn bồn nhận bằng nước vo gạo ăn với ba khía Rạch Gốc thì ăn “chết bỏ”.

 
Canh chua ba khía
Canh chua ba khía
Ba khía giờ không còn là món nhà nghèo mà đã được vinh danh trong menu ở các nhà hàng, khách sạn nhưng tình thiệt ăn ba khía trong nhà lá, chan nước chắt cơm, uống nước mưa hay xúc tô cơm nguội với vài con ba khía ngồi dưới gốc dừa vừa ăn vừa bốc mới cảm nhận đầy đủ chất ruộng đồng sông nước miền Tây. Dân miền Τâу quen sống thanh bạch, mộc mạc; сó lẽ vì thế mà ngaу đến cả món mắm ba khía đặc sản cũng rất đỗi bình dị với dân quê. Tình thiệt, mắm ba khía chỉ ngоn nhất khi ăn với... cơm nguội!
Mấy năm gần đây ba khía Cà Mau không còn nhiều như trước, rừng bãi bồi bị phá, trái mắm đen thưa rụng vì cây mắm bị triệt hạ nhiều, ba khía “tủi thân” rủ nhau đi đâu càng ngày càng vắng. Tự dưng nhói lòng khi nghĩ vào những ngày 30 tháng 8 hoặc tháng 9 âm lịch tới không còn “chợ tình ba khía” thì Cà Mau có còn là Cà Mau...

Theo Nguyễn Thị Việt Hà

  • Digg
  • Del.icio.us
  • StumbleUpon
  • Reddit
  • RSS