____Du lịch BỤI____

RSS
Hiển thị các bài đăng có nhãn Du lịch. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Du lịch. Hiển thị tất cả bài đăng

Cù lao Dài - Dãy đất vàng cho du lịch sinh thái

Để đến được cù lao Dài, du khách có thể đi đò ở bến Vũng Liêm hoặc qua phà Quới An - Quới Thiện, bến phà nhỏ trông hiền lành, người đi phà cũng dễ thương, không có sự gấp gáp, chen lấn, hối hả như ở các bến phà khác.
Dãy đất vàng cho du lịch sinh thái
Dãy đất vàng cho du lịch sinh thái
Từ khi cầu Cổ Chiên nối liền hai tỉnh Bến Tre - Trà Vinh khánh thành, sông Cổ Chiên bỗng được giới du lịch chú ý. Trong nhiều năm, dòng Cổ Chiên nước lớn đã giữ cho cù lao còn nguyên vẻ mộc mạc thôn quê với những vườn trái cây trĩu quả và giai điệu đờn ca tài tử văng vẳng xóm làng.

Đặt chân đến xã Thanh Bình, mùi mít và mùi sầu riêng thoang thoảng giữa không khí ẩm ướt của miệt vườn mùa mưa. Du khách thong thả đi dọc con đường nhỏ và nếu thích thì có thể xin vào thăm vườn trái cây của người dân địa phương.

Chủ vườn đa phần ai cũng rất mến khách. Họ sẽ chọn trái ngay từ trên cây, cắt xuống và bổ ra cho mọi người cùng thưởng thức giữa không gian xanh mát. Ngoài đặc sản sầu riêng và mít vị đậm đà thì chôm chôm, bưởi, măng cụt… cũng không kém phần hấp dẫn.
Mùa chôm chôm
Trước đây, cù lao thường xuyên bị ngập nước nên chỉ thuận tiện trồng lúa nước hay trồng lát. Ngày nay, nhờ có sự đầu tư xây dựng hệ thống đê bao, cù lao Dài trở thành vùng sản xuất nông nghiệp trù phú của huyện Vũng Liêm với những mặt hàng nông sản như trái cây ngon, cá da trơn, tôm nước ngọt…

Riêng một số ấp ở đuôi cù lao thuộc xã Thanh Bình (như Bình Thủy, Thông Lưu), bà con vẫn còn giữ cây trồng truyền thống là cây lát. Cùng với trồng lát, từ lâu, người dân nơi đây đã biết đến nghề dệt chiếu, se lõi lát…

Ở Bình Thủy, Thông Lưu, hầu hết các hộ gia đình đều có máy se lõi lát. Ấp Bình Thủy đã được tỉnh Vĩnh Long công nhận là làng nghề truyền thống.

Theo lịch sử tỉnh Vĩnh Long, nơi đây là một trong những làng điển hình về khai hoang lập ấp trên địa bàn trấn Vĩnh Thanh dưới triều vua Gia Long.

Từ giữa thế kỷ thứ XIX, cù lao này được xem là một mô hình đẹp về làng mới, ruộng vườn liền mạch, đình chùa phong phú, nổi tiếng là nơi đông đúc, no đủ. Ở xã Thanh Bình hiện nay còn lại hai khu lăng mộ lớn được xây dựng cách nay khoảng 180 năm.

Đó là khu lăng mộ bà Nguyễn Thị Tuyết (mẹ Thoại Ngọc Hầu) và lăng mộ của cha mẹ vợ ông (là ông Châu Vĩnh Huy và bà Đỗ Thị Toán) đã được ông xây dựng vào những năm ông làm trấn thủ Vĩnh Thanh.

Hai khu lăng mộ này là chứng tích góp phần xác định cù lao Dài chính là quê hương thứ hai của Nguyễn Văn Thoại, tức Thoại Ngọc Hầu khi ông cùng gia quyến chạy loạn từ Quảng Nam vào đây.

Thăm thú cù lao xong, du khách thường ghé quán lá Vườn Dừa, nơi phục vụ những món ăn đặc sản dân dã mà thơm ngon. Khai vị thường là món bánh xèo.

Bánh xèo ở đây có loại bột rất thơm và dẻo. Bí quyết là người dân dầm ngò gai lấy nước, đổ vào bột bánh xèo và bỏ lên chảo chiên, dùng rất ít dầu nên không ngấy.

Nhân bánh cũng khá lạ miệng với nguyên liệu là con hến. Hến sông Cổ Chiên mang vị ngọt thanh và có màu rất trắng, quyện với vị béo của nước dừa trong bột bánh, vị bùi bùi chua chua của lá cát lồi, mùi nhẫn nhẫn của lá cách ăn thật hợp vị. Thiếu nữ địa phương hướng dẫn du khách đổ bánh xèo.

Quán dân dã nên cách phục vụ cũng rất thân tình. Các cô, các chị đầu bếp sẵn sàng kiên nhẫn hướng dẫn du khách đổ từng chiếc bánh sao cho giòn rụm.

Xong món bánh thì đến gỏi gà hấp rượu. Gà thả vườn thịt săn chắc trộn cùng lõi cây chuối non xắt nhỏ, vị tươi ngon ăn hoài không ngán. Rồi đến món canh chua cá nấu trái bần. Trái bần xinh xinh vị chua làm tô canh cá ngọt mà thanh, quyện thêm vị bùi của chuối thật khó quên.


Xế trưa, miệt vườn yên tĩnh rộn lên tiếng đàn ca của ban nhạc tài tử. Du khách dù không nhiều máu văn nghệ vẫn cứ bị cuốn vào lời ca tiếng hát trữ tình thấm đẫm chất miền Tây.




  • Digg
  • Del.icio.us
  • StumbleUpon
  • Reddit
  • RSS

Cà Mau: Phấn đấu đón 1,2 triệu lượt khách du lịch nội địa trong năm 2015

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cà Mau cho biết, Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau đã phê duyệt quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh giai đoạn 2014 - 2015 và 2015 - 2020. Theo đó, Cà Mau phấn đấu năm 2015 đón 1,2 triệu lượt khách nội địa và 30 nghìn lượt khách quốc tế.



Đến năm 2020, tỉnh Cà Mau phấn đấu đón 1,7 triệu lượt khách nội địa và 50 nghìn lượt khách quốc tế và đến năm 2030 thu hút khoảng 2,8 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 110 nghìn khách quốc tế. Tỉnh cũng đặt ra mục tiêu nâng cao nguồn thu từ du lịch, đạt khoảng 1.150 tỷ đồng vào năm 2015 và khoảng 2.610 tỷ đồng vào năm 2020; đến năm 2030 phấn đấu đạt khoảng 7.160 tỷ đồng.

Cà Mau cũng sẽ tập trung thực hiện phương án xã hội hóa trong đầu tư và phát triển du lịch từ nay đến năm 2020. Cụ thể, đến năm 2020, tỉnh Cà Mau huy động 500 tỷ đồng để phát triển du lịch; trong đó sẽ có 400 tỷ đồng được huy động từ chủ trương xã hội hóa, còn lại 100 tỷ đồng sẽ từ ngân sách Trung ương và địa phương.

Để phát triển du lịch bền vững, những năm qua, ngành du lịch tỉnh Cà Mau đã nỗ lực khắc phục khó khăn, thách thức, phát huy có hiệu quả lợi thế về tài nguyên, nguồn lực nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch, gắn du lịch với xóa đói giảm nghèo, ổn định xã hội, an ninh chính trị.

Với hệ sinh thái đa dạng và là điểm tận cùng cực Nam của Tổ quốc, Cà Mau có nhiều lợi thế trong phát triển du lịch. Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả tiềm năng sẵn có, Cà Mau cũng đang đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực này.

Trọng điểm du lịch của Cà Mau được xác định là Đất Mũi, Khai Long, Hòn Khoai, Hòn Đá Bạc, vườn quốc gia, các cửa biển, sân chim, các khu di tích văn hóa, lịch sử… Cũng theo quy hoạch du lịch của địa phương này, đến năm 2020, Cà Mau sẽ đào tạo 500 cán bộ quản lý, hướng dẫn viên du lịch để có đủ nguồn nhân lực phục vụ cho nhu cầu phát triển du lịch trong tình hình mới, nhất là quá trình hội nhập, công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Tỉnh Cà Mau quyết tâm đặt mục tiêu xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong nền kinh tế, góp phần vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, nâng cao thu nhập và chất lượng đời sống cho nhân dân địa phương; khai thác có hiệu quả lợi thế về vị trí địa lý và tiềm năng du lịch để hình thành các sản phẩm du lịch có thương hiệu và mang tính đặc thù của địa phương./.


  • Digg
  • Del.icio.us
  • StumbleUpon
  • Reddit
  • RSS

Cuộc soán ngôi của Sơn Đoong, Quãng Bình

Còn ở góc độ kinh tế, số lượng 500 khách đã vào Sơn Đoòng năm 2015 giúp Quảng Bình thu về trên 32 tỷ đồng. Ở góc độ cảnh quan, Sơn Đoòng đang là hang động lớn và đẹp nhất thế giới... 

Trước Sơn Đoòng, hang Én trong Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng của Việt Nam từng được các nhà thám hiểm thuộc Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh (BCRA) công bố năm 1994 là hang động lớn nhất thế giới, sau đó nhường lại vị trí cho hang Deer thuộc Vườn Quốc gia Gunung Mulu của Malaysia. 

Cuộc soán ngôi của Sơn Đoòng vào năm 2009 cũng sẽ chẳng có gì đặc biệt nếu không có sự tham gia lần lượt của các hãng truyền thông hàng đầu thế giới như NatGeo, BBC, NHK và mới đây nhất là ABC... cùng hơn 100 tờ báo lớn ở phương Tây, Mỹ và khu vực Trung Đông viết bài ca ngợi, khiến Sơn Đoòng trở nên nổi tiếng khắp thế giới. 

Dĩ nhiên, tuyến du lịch khám phá hang động đẹp kỳ diệu này từ ngay khi đưa vào khai thác thử nghiệm đã kín chỗ. 

Chiến lược quảng bá 

Trong chuyến đi cùng các thành viên của BCRA khảo sát Sơn Đoòng tháng 8/2012, Howard Limbert, Trưởng nhóm thám hiểm BCRA, đã chia sẻ: "Quảng Bình đang sở hữu một mỏ vàng về những vẻ đẹp của hang động, nếu tìm cách khai thác hiệu quả sẽ đem lại nguồn lợi lớn cho người địa phương". 
Sơn Đoòng có kiến trúc đặc biệt về địa mạo, địa tầng trong lòng hang. Ảnh: Ryan Deboodt/Oxalis.
Sơn Đoòng có kiến trúc đặc biệt về địa mạo, địa tầng trong lòng hang. Ảnh: Ryan Deboodt/Oxalis.
Với sự nhìn nhận và đánh giá của một nhà thám hiểm hang động trong nhóm đầu thế giới, Howard rất hiểu và cảm rõ vẻ đẹp đặc biệt của hang động vùng Phong Nha - Kẻ Bàng, đặc biệt là Sơn Đoòng. Kế hoạch cho ra đời loại hình du lịch thám hiểm hang động mang đẳng cấp thế giới dần được hình thành.

Cùng thời điểm đó, Phong Nha - Kẻ Bàng đã bắt đầu xuất hiện hình thức du lịch khám phá hang động, tuyến khai thác chủ yếu là hang Én theo hành trình 2 ngày 1 đêm, đơn vị khai thác duy nhất là Chua Me Đất - Oxalis. 

Những chuyến đi hang Én được du khách hào hứng tham gia, bởi hang động lớn thứ ba thế giới này có kết cấu ngoạn mục, đẹp nhất là phần cửa ra với mái vòm cao hơn 120 m. Tuyến khám phá hang Én đem lại hoạt động ổn định cho Oxalis, nhưng hang Én chưa đủ để trở thành một "đại sứ" hang động để có thể quảng bá hình ảnh về du lịch thám hiểm. 

Để diện kiến vẻ đẹp Sơn Đoòng là điều không dễ dàng, đòi hỏi người tham gia phải có niềm đam mê và một nền tảng thể lực tốt, yếu tố ấy cũng một phần tạo cho Sơn Đoòng sức hấp dẫn riêng. Lấy ví dụ hang Thiên Đường, được đưa vào khai thác du lịch theo mô hình tham quan đại chúng từ ngày 3/9/2010 và thạch nhũ hang Thiên Đường đẹp và ngoạn mục thậm chí hơn cả Sơn Đoòng, nhưng sự nổi tiếng và mức độ quan tâm chưa được như mong đợi. 

Cũng giống như giới showbiz, Sơn Đoòng nổi tiếng nhờ một kế hoạch quảng bá hình ảnh rất bài bản ra phạm vi toàn cầu. Ryan Deboodt, nhiếp ảnh gia người Mỹ trong chuyến du lịch khám phá, chụp ảnh cụm hang Tú Làn, đã có được những bức hình hoàn hảo, gây ấn tượng với Nguyễn Châu Á - người sáng lập và điều hành Oxalis, và Ryan được mời đi Sơn Đoòng ba chuyến thực hiện các bộ ảnh thể hiện những góc đẹp của Sơn Đoòng. Sau đó Oxalis gửi các bộ ảnh theo từng nhóm nhất định cho nhiều tờ báo, tạp chí lớn trên thế giới, hình ảnh khi đăng tải sẽ ghi tên tác giả và Oxalis, nội dung bài viết sẽ được Oxalis cung cấp thông tin. 

Chỉ trong một năm (từ 2013-2014), hơn 100 tờ báo lớn trên thế giới đưa tin, hình ảnh và bài viết từ nguồn cung cấp Oxalis, tiếp đến là kế hoạch "tấn công" vào truyền hình bằng việc giới thiệu những đoạn phim ngắn quay về Sơn Đoòng, những kênh truyền hình lớn như NatGeo, NHK, BBC đã vào cuộc. Phóng sự truyền hình trực tiếp từ hang Sơn Đoòng trung tuần tháng 5 vừa qua của kênh truyền hình Mỹ ABC - một chương trình được chính những người thực hiện thừa nhận là độc đáo, đẹp và quy mô chưa từng có trong lịch sử truyền hình của riêng ABC. 

Sơn Đoòng trở nên nổi như cồn không chỉ riêng trong giới du lịch thám hiểm, mạo hiểm, mà với cả người yêu thiên nhiên, hang động. Khai thác du lịch bền vững Oxalis chỉ mới thành lập được 4 năm và nhân sự công ty đều là người bản địa, được 25 chuyên gia hàng đầu trong BCRA trực tiếp giúp đỡ, huấn luyện, đảm bảo khả năng và trình độ đạt chuẩn do chính BCRA tuyển chọn. Đây cũng chính là ý đồ và điều mong muốn của các thành viên BCRA khi xây dựng loại hình du lịch gắn với cộng đồng địa phương. Howard từng chia sẻ với người viết: "Chúng tôi muốn những mô hình đầu tư làm du lịch, khai thác vẻ đẹp hang động phải gắn với yếu tố địa phương, đó là cách giúp đỡ và bảo vệ những nét đẹp di sản một cách thiết thực và hiệu quả nhất. Du khách thỏa mãn với vẻ đẹp thiên nhiên hang động được bảo tồn tốt, còn người dân khi đưa du khách thám hiểm, họ sẽ ý thức hơn về việc bảo tồn, dân trí, nhận thức phát triển cao hơn, và họ thu được nguồn lợi từ du khách để phát triển đời sống". 

Sự hoang sơ của thiên nhiên trong lòng hang Sơn Đoòng. Ảnh: Ryan Deboodt/Oxalis. 
Tuyến du lịch thám hiểm Sơn Đoòng khác biệt hẳn với loại hình du lịch mạo hiểm bởi địa hình thám hiểm hang động rất đa dạng, từ ngay hành trình trước khi đến Sơn Đoòng đã phải chinh phục qua hang Én. Cửa vào hang Sơn Đoòng là một hố sâu, phải sử dụng thiết bị leo núi chuyên dụng mới có thể tiếp cận lòng hang, những vách dốc đứng, sông ngầm... 

Địa mạo địa tầng rất đa dạng, định hình nên một tuyến du lịch thám hiểm thực sự hiếm hoi ngay cả với thế giới. Lộ trình thám hiểm trải nghiệm Sơn Đoòng hiện nay kéo dài 5 ngày (trước là 6 ngày), số lượng tham gia tăng lên 10 người (trước 8 người), các chuyên gia của BCRA đã tính toán kỹ lưỡng tổng số lượng người thám hiểm Sơn Đoòng trong năm 2015 không quá 500 người là lý tưởng nhất để giảm thiểu việc tác động của con người đến môi trường hang động. 

Tuyến du lịch thám hiểm Sơn Đoòng dù mang nhiều ý kiến trái chiều về chuyện đắt - rẻ, cũng tương tự như việc sử dụng khách sạn, đẳng cấp 5 sao sẽ không có chuyện ngang giá như nhà trọ. Bởi mức độ đầu tư vào Sơn Đoòng, đằng sau sự thành công của tuyến du lịch, đằng sau những hình ảnh lung linh giới thiệu ra công chúng là cả một sự đầu tư lớn về trang thiết bị, đặc biệt là vấn đề con người. Các chuyên gia của BCRA, đội ngũ làm thương hiệu cùng các chiến lược quảng bá, chiến lược chào bán sản phẩm mới đúc kết nên một Sơn Đoòng tiếng tăm như hiện nay.

 Chuyện thám hiểm và chinh phục Sơn Đoòng, ý nghĩa hang động lớn nhất thế giới chỉ mang tính ước lệ, vì theo như Howard chia sẻ: "Vùng Phong Nha - Kẻ Bàng vẫn còn khả năng tìm ra những hang động lớn hơn cả Sơn Đoòng". Khai thác du lịch bền vững không nằm ở chuyện thám hiểm hang mang quy mô lớn hay nhỏ, nhất nhì thế giới, mà là việc khai thác hiệu quả, bền vững, để những du khách như Thái tử xứ Ả Rập đến Phong Nha thám hiểm Sơn Đoòng, sau chưa đầy 3 tháng đã quay trở lại.

  • Digg
  • Del.icio.us
  • StumbleUpon
  • Reddit
  • RSS

Du lịch Cà Mau phần 2: "Sinh thái rừng mặn - ngọt"

Tình đất hiền hòa, tình người hào sảng, mến khách Cà Mau luôn nồng nhiệt chào đón khách thập phương đến tham quan, thưởng ngoạn cảnh sắc đặc trưng của biển, rừng đất mũi.
Độc đáo cảnh quan rừng


Hệ sinh thái rừng tràm U Minh Hạrừng đước Mũi Cà Mau, cùng những nét văn hóa của người dân nơi đây ngay từ thời khai hoang mở cõi, đã tạo nên bản sắc đặc trưng của đất và người Cà Mau. Rừng tràm U Minh Hạ với diện tích khoảng 30.000ha, trải dài ở 3 huyện U Minh, Thới Bình và Trần Văn Thời, là hệ sinh thái rừng ngập nước phong phú, đa dạng về chủng loài động-thực vật. Tiêu biểu cho hệ sinh thái này là Vườn Quốc gia U Minh HạLâm ngư trường Sông Trẹm, được quy hoạch thành khu du lịch sinh thái, nhằm bảo tồn, tái tạo cảnh quan thiên nhiên, các nguồn gien động - thực vật quý hiếm; sử dụng bền vững tài nguyên rừng, các sản phẩm dưới tán rừng... Đã có rất nhiều du khách đến với Cà Mau thích thú khi được bơi xuồng dưới dòng nước nâu đỏ len lỏi vào rừng với ríu rít tiếng chim và thơm dịu hương tràm. Hay có thể dừng chân nghỉ ngơi dưới bóng tràm, thưởng thức các món đặc sản xứ rừng bên ly rượu mật ong thơm cay, ngẫu hứng cất lên vài câu vọng cổ, hòa mình với thiên nhiên để dễ dàng rũ bỏ những ưu tư, muộn phiền, để thấy cuộc sống thêm phần ý nghĩa. Nếu có cơ hội gặp những ông già phong ngạn, hay những cựu chiến binh, du khách sẽ được nghe những câu chuyện huyền thoại về nghề rừng, về chiến trường xưa…
 
Khu du lịch sinh thái rừng U Minh Hạ
Khu du lịch sinh thái rừng U Minh Hạ
Tiêu biểu cho hệ sinh thái rừng ngập mặn là Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau. Đến đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng cảnh trùng trùng điệp điệp rừng mắm, rừng đước, được tận mắt nhiều chủng loài động vật quý hiếm. Nơi đây có chế độ thủy triều khác nhau, tạo nên một vùng lắng đọng phù sa cứng dần thành bãi bồi, là nơi duy nhất trên cả nước có thể nhìn thấy mặt trời mọc trên biển Đông và lặn ở phía biển Tây. Sinh cảnh tự nhiên nơi đây và rừng ngập mặn thi nhau lấn biển, tạo nên những bãi bồi độc đáo rất thích hợp để phát triển du lịch sinh thái. Đến với Đất Mũi, du khách sẽ được ngắm nhìn mốc tọa độ quốc gia - biểu trưng cho sự toàn vẹn của đất nước Việt Nam, thưởng thức những món ngon đậm đà hương biển: Hàu, sò huyết, ốc len, tôm, cua… mà chắc hẳn khó lòng quên được.
 
Làng quê rừng U Minh Hạ
Làng quê rừng U Minh Hạ
Vẻ đẹp của biển đảo
Hệ thống biển-đảo Cà Mau gồm các cụm đảo nổi tiếng: Hòn Khoai, Hòn Chuối, Hòn Đá Bạc… Các cụm đảo này vừa có vị trí quan trọng trong an ninh quốc gia, vừa là thắng cảnh thơ mộng, đã và đang được khơi nguồn phát triển du lịch.
Hòn Khoai là thắng cảnh nằm ngoài biển Đông, cách đất liền khoảng 15km, là đảo có rừng và đồi gần như còn nguyên vẹn, với quần thể động-thực vật phong phú và nhiều loài gỗ quý, cảnh quan thiên nhiên hoang dã luôn hấp dẫn khách du lịch. Hòn Khoai còn là vị trí đèn biển quan trọng của biển Đông và Vịnh Thái Lan. Tháp Hải đăng nơi đây là một trong những công trình đèn biển có mặt sớm nhất tại hải phận Việt Nam. Hòn Khoai còn có ý nghĩa lịch sử quan trọng, là di tích cách mạng nổi tiếng ở miền Tây Nam Bộ, được đánh dấu bằng cuộc khởi nghĩa của anh hùng Phan Ngọc Hiển năm 1940.

Vườn dâu Cái Tàu - U Minh

Xung quanh Hòn Đá Bạc có nhiều tảng đá nối liền, cây cối rậm rạp bao phủ. Trên triền núi là bộ xương cá ông, vị cứu tinh của người dân xứ biển. Hòn Đá Bạc lúc nào cũng rì rào sóng biển. Tại đây, du khách được hiểu thêm về thắng lợi của Kế hoạch phản gián CM12, đó là kết quả của trí tuệ, bản lĩnh chính trị, lòng dũng cảm và sự sáng tạo của lực lượng Công an Nhân dân Việt Nam; thể hiện sức mạnh của sự đoàn kết chiến đấu. Cụm đảo Hòn Chuối thuộc vùng biển Sông Đốc (Trần Văn Thời). Đây là thắng cảnh giàu tiềm năng thủy sản, là điểm nghỉ chân, trú bão của nhiều ngư dân, với đặc sản mít, xoài…

Đất mũi Cà Mau
Khai Long nằm gọn trong vành đai rừng đước ngập mặn của Mũi Cà Mau, có bãi biển cát vàng tương đối bằng phẳng, được tạo nên bằng sự phân hủy của vỏ sò, vỏ ốc… Nơi đây có bờ biển bao bọc, đất đai màu mỡ thích hợp cho nhiều loài cây ăn trái phát triển. Thơ mộng và thú vị hơn nếu bạn chọn chuyến đi vào những đêm trăng, con nước ròng sẽ làm cho bãi biển dài hơn. ở đây còn ẩn giấu huyền thoại Khai Long, nơi gặp nhau của biển, trời và đất để sinh ra rồng của vùng biển hoang sơ.

Không những thế, Cà Mau còn có nhiều điểm du lịch nổi tiếng: Lâm ngư trường 184, hay Lâm viên Cà Mau có vườn chim nhân tạo và các loài chim khác bay về trú ngụ ngay giữa lòng thành phố; các dịch vụ du lịch tư nhân như vườn dâu Cái Tàu - U Minh… cũng đang lấy lòng được du khách gần xa.


Theo Báo Đất Mũi

  • Digg
  • Del.icio.us
  • StumbleUpon
  • Reddit
  • RSS

Về Cà Mau thăm "Chợ tình Ba Khía"

Hàng năm, vào mùa nước lên (khoảng từ tháng 8 đến tháng 10 âm lịch), ở Cà Mau, từ những hang ổ dày đặc dưới gốc đước, gốc mắm bị chìm trong nước, ba khía bò lên nhiều không biết bao nhiêu mà kể, chen chúc nhau bám vào những thân đước, thân mắm. Gọi là “Chợ tình ba khía” cho vui chứ thực ra là ở thời điểm này ba khía quần hội cả một vùng, cư dân nơi đây gọi là “ba khía hội”.

Họ hàng ba khía sống tập trung ở môi trường nước lợ, nơi các cửa sông, cửa rạch đổ ra biển, ba khía có nhiều nhất ở các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu... Thoạt trông ba khía rất giống cua đồng hoặc giống con chù ụ ở biển Ba Động, Trà Vinh nhưng vóc dáng nhỏ hơn, càng và ngoe dẹp có thêm ba vạch ở trên chiếc mai màu sẫm nên “chết danh” ba khía. Rất ngộ, đúng cữ tháng 8, tháng 10 âm lịch hàng năm, từng cặp ba khía lềnh khềnh bu kín gốc tràm, mắm. Mỗi năm chúng chỉ xuất hiện khoảng vài ngày, sau đó chúng tản đi đâu hết và năm sau đến hẹn lại lên. Chúng bám nhau sát rạt từng đôi, từng đôi một dày đặc cả một vùng như thể tổ chức “đám cưới tập thể” vậy. Tầm đó ba khía giao phối, sinh sản, cũng là lúc thịt ba khía chắc và ngon nhất. Nét độc đáo của “chợ tình ba khía” ở Cà Mau đã tạo nên điểm nhấn đặc biệt cho vùng đất này.
 
Ba khía Rạch Gốc
Ba khía Rạch Gốc
Ngay tại vùng Đất Mũi cũng có sự phân chia khu vực sinh sống của ba khía. Chỉ ba khía vùng Rạch Gốc, Tân Ân là có thịt ngon, thơm và rất chắc. Ba khía vùng này ăn trái đước, vẹt, đặc biệt là trái mắm đen - thứ cây có nhiều rễ bám sâu vào lòng đất của vùng bãi bồi, hàng năm rụng trái làm đen cả nước - nên gạch son nhiều và thịt chắc, ăn rất thơm. Những người sống ở Rạch Gốc cho biết ba khía có hai loại ngon: Một là loại có càng to màu xanh chuyên sống trong hang, dưới nước và trong các khu rừng ngập mặn. Hai là loại ba khía thân mảnh, càng nhỏ nhưng kẹp rất đau. Còn loại ba khía ăn trái mắm trắng có gạch màu tro thì ăn không ngon bằng.
Ba khía cặp đôi
Ba khía cặp đôi
Vào mùa ba khía “sánh đôi”, những người dân chuyên nghề “làm ba khía” tứ phương gói ghém gạo, muối, nước, nóp ngủ, khạp da bò, khạp ba vú... chất xuống xuồng, neo đậu ở bìa rừng đợi đêm xuống, khi nước lớn ba khía kéo hàng đàn ra. Ban đêm ở rừng “muỗi kêu như sáo thổi”, những người thợ “săn ba khía” mặc áo dày, che kín mặt mũi, chân tay, lấy vỏ tràm hay lá mắm khô xé nhỏ độn bên trong áo chống muỗi, cầm đuốc, bơi xuồng bắt đầu “mùa săn”. Chỉ cần ghé xuồng vào các gốc đước, ba khía bám đầy không có chỗ trống vuốt nhẹ những “anh - chị” ba khía còn đang say sưa tình tự, cho vào khạp hoặc cần xé đặt sẵn trên khoang. Trong một con nước, một người có kinh nghiệm và cần mẫn có thể bắt được một khạp đầy ba khía. Ngày trước, nghề làm ba khía bị xem là nghề hạ bạc của con nhà nghèo bởi muốn bắt phải ngủ rừng, ăn cơm bờ bụi, chịu muỗi vắt bu kín mình mẩy. Ca dao cũng ghi dấu mùa “săn ba khía”:
Tháng bảy nước chảy Cà Mau

 Tháng mười ba khía hội kéo nhau đi làm
 U Minh, Rạch Gốc, rừng tràm
 Muỗi kêu kệ muỗi tao ham ba khía rồi.

Người ta còn gọi Cà Mau là xứ sở con ba khía bởi nó gắn bó với người nông dân ở đây từ thời lập cõi mở đất để đến bây giờ món ba khía muối trở thành món “lừng danh Cà Mau”. Muối ba khía cũng phải có kinh nghiệm và kỹ thuật, quá trình đơn giản nhưng cách pha nước muối thế nào cho vừa là khó, nếu muối chưa đủ mặn, con ba khía sẽ bủng, không để được lâu. Cho nên phải qua hai lần nước muối, con ba khía mới giữ được màu sắc như khi còn sống, thịt vẫn chắc, mặn dịu, ăn ngon. Kinh nghiệm pha nước muối là bỏ hạt cơm nguội vào, nếu hạt cơm nổi lờ đờ là được. Nước muối chuẩn bị xong thì cho ba khía vào khạp da bò hoặc khạp ba vú ngâm. Tuyệt đối không để nước mưa lọt vào, nếu không ba khía sẽ bị “trớ”, có mùi hôi. Phần nước muối còn lại trong khạp khi đã ăn hoặc bán hết ba khía dùng để nấu nước mắm rất ngon.

Cây bẹo treo ba khía ở Chợ nổi Cà Mau
Cây bẹo treo ba khía ở Chợ nổi Cà Mau
Tương truyền, “Công tử Bạc Liêu” Ba Huy rất thích món ba khía muối. Chàng công tử “đốt tiền nấu trứng tỏ ra mình giàu” ấy ăn ba khía để nhắc bản thân mình nhớ cha ông thuở mở đất khai hoang đã đổ mồ hôi sôi nước mắt gây dựng cơ nghiệp. Thế mới biết cái món “chân quê” ấy đâu chỉ dành riêng cho người nghèo mà đó còn là “hồn quê”, là món ăn không thể nhạt phai trong tâm khảm bất cứ người nào đã từng sống, đã từng thưởng thức nó tại vùng sông nước Nam Bộ. Bởi vậy người miền Tây có câu “Đừng lo cưới vợ miệt đồng/Ba khía cơm nguội ăn ròng cả năm”.

Ba khía muối trộn tỏi ớt
Ba khía muối trộn tỏi ớt
Từ vài năm nay, người ta chế biến thêm một vài món từ ba khía nhằm phục vụ nhu cầu ăn uống đang trở nên ngày càng đa dạng: Ba khía rang me, ba khía rang mỡ hành, ba khía luộc “khan” chấm muối tiêu chanh ớt, cháo ba khía, gỏi ba khía... Độc đáo hơn còn có món canh chua ba khía. Trước tiên, rửa ba khía thật sạch đất bùn, sau đó bóc yếm và bẻ đôi làm hai nửa, tách càng, gọng. Tất cả ướp cùng hành lá giã nhuyễn, thêm đường, chút nước mắm, ít tiêu vào trộn đều. Bắc chảo dầu lên bếp, phi tỏi thật thơm rồi cho ba khía đã ướp vào xào sơ. Khi mùi thơm của ba khía bốc lên, cho cà chua đã bổ miếng vào, đảo đều và nhanh tay cho nước sôi để nguội với lượng vừa ăn. Đợi nồi canh sôi bùng lên, lọc trái giác (một loại quả chua) và một ít bắp chuối đã thái chỉ vào. Ba khía chín, nêm gia vị lại lần nữa cho vừa miệng rồi tắt bếp, rắc thêm tiêu.
Ba khía luộc khan
Ba khía luộc khan
Nói gì thì nói, ba khía có chế biến thành trăm món ngon khác thì cũng không “qua mặt” được món nguyên thủy: ba khía muối! Nếu giản dị thì xúc tô cơm nguội, vừa ăn vừa lấy tay bóc con ba khía muối, nút càng chùn chụt đúng điệu dân miền Tây. Công phu hơn thì trụng ba khía bằng nước cơm còn ấm, tách yếm ba khía, bẻ ngoe, càng ướp tỏi ớt giã nhuyễn, thêm chút đường cát trắng, thêm nước cốt chanh, xắt trái khế thiệt mỏng hay đập dập mấy trái cóc non bỏ vô tô trộn đều, để một chút cho ba khía thấm gia vị... Khi ăn nhất định phải có đầy đủ rau ăn kèm thì ăn món ba khía mới “bắt”, đó là dưa leo, chuối chát, rau thơm, rau răm, rau dừa, bông lục bình... Nhiều người ăn cầu kỳ còn phi mỡ tỏi cho thơm rồi tưới lên tô ba khía đã ướp để tăng độ béo. Món ba khía lúc này đã trở nên tuyệt hảo, ngon nhức răng. Dưa bồn bồn nhận bằng nước vo gạo ăn với ba khía Rạch Gốc thì ăn “chết bỏ”.

 
Canh chua ba khía
Canh chua ba khía
Ba khía giờ không còn là món nhà nghèo mà đã được vinh danh trong menu ở các nhà hàng, khách sạn nhưng tình thiệt ăn ba khía trong nhà lá, chan nước chắt cơm, uống nước mưa hay xúc tô cơm nguội với vài con ba khía ngồi dưới gốc dừa vừa ăn vừa bốc mới cảm nhận đầy đủ chất ruộng đồng sông nước miền Tây. Dân miền Τâу quen sống thanh bạch, mộc mạc; сó lẽ vì thế mà ngaу đến cả món mắm ba khía đặc sản cũng rất đỗi bình dị với dân quê. Tình thiệt, mắm ba khía chỉ ngоn nhất khi ăn với... cơm nguội!
Mấy năm gần đây ba khía Cà Mau không còn nhiều như trước, rừng bãi bồi bị phá, trái mắm đen thưa rụng vì cây mắm bị triệt hạ nhiều, ba khía “tủi thân” rủ nhau đi đâu càng ngày càng vắng. Tự dưng nhói lòng khi nghĩ vào những ngày 30 tháng 8 hoặc tháng 9 âm lịch tới không còn “chợ tình ba khía” thì Cà Mau có còn là Cà Mau...

Theo Nguyễn Thị Việt Hà

  • Digg
  • Del.icio.us
  • StumbleUpon
  • Reddit
  • RSS

Vẻ đẹp thiên đường ở bãi biển Nam Du

Chí Tình - Còn gì tuyệt vời hơn khi được ngồi trên con tàu băng băng tiến về phía trước, vừa cảm nhận từng làn gió mát rượi bao phủ khắp thân thể, vừa khám phá những hòn đảo lớn nhỏ cùng cây cối xanh mướt lần lượt hiện ra trước mắt, lại được chú lái tàu vui tính kể về lịch sử của Nam Du.
 
Nam Du nhìn từ xa
Nam Du nhìn từ xa
Tôi biết đến Nam Du qua một lần lang thang trên mạng. Đang mơ màng về biển giữa cái nắng tháng 3 như đổ lửa ở Sài Gòn, tôi bắt gặp bức ảnh biển xanh ngăn ngắt giữa bầu trời bao la trong vắt cùng hai cây dừa đổ bóng nghiêng nghiêng như mời gọi trên Facebook một người bạn. Trong đầu tôi lúc đó chỉ có một ý nghĩ: xách ba lô và lên đường.
 
Biển - Trời Nam Du
Biển - Trời Nam Du
Tôi lập tức tìm hiểu thông tin về hòn đảo này trên internet cũng như các diễn đàn phượt khác nhau. Tuy nhiên, thông tin khá là ít, hình ảnh về nơi này cũng không có nhiều. Lúc đó tôi chỉ biết Nam Du là một quần đảo nhỏ thuộc huyện Kiên Hải tỉnh Kiên Giang. Đảo lớn nhất ở quần đảo Nam Du là hòn Lớn, thuộc xã An Sơn, nhưng xưa nay bà con quen gọi là hòn Củ Tron.
 
Thường được gọi là hòn Củ Tron
Thường được gọi là hòn Củ Tron
Du lịch đảo Nam Du vẫn chưa phát triển, mọi thứ còn khá hoang sơ và tự nhiên. Bình thường, tôi ít khi mạo hiểm đến nơi nào đó khi chưa có nhiều thông tin kiểm chứng như thế, nhưng mong muốn được đến hòn đảo tuyệt vời ngay trong mùa hè đã thôi thúc khiến tôi quyết định lên đường.
Cùng đi với tôi còn có một nhóm bạn mê chụp ảnh. Họ đã bị những bức ảnh hoang sơ mà quyến rũ của Nam Du chinh phục.
 
Mặt nước trong xanh ở Nam Du
Mặt nước trong xanh ở Nam Du
Sau gần 8 tiếng xe chạy, chúng tôi đến bến tàu Rạch Giá vào một buổi sáng nắng vàng ươm trên những bến tàu. Mất thêm 2 tiếng nữa để thuê tàu cao tốc ra Hòn Lớn, cuối cùng Nam Du cũng hiện ra như những gì tôi mong đợi. Mà không, phải nói là hơn những bức ảnh tôi đã xem đi xem lại nhiều lần. Biển, trời, sóng nước, cây cối, cái gì ở Hòn Lớn này cũng đẹp như tranh vẽ. Ngay đến cảng cá cũng thật nên thơ với những con tàu đầy màu sắc nổi bật lên trên làn nước trong vắt giữa bầu trời cao lồng lộng, xa xa là những con sóng bạc đầu, thay phiên nhau tấp vào bờ.
Khung cảnh nhộn nhịp của những chuyến tàu xa
Khung cảnh nhộn nhịp của những chuyến tàu xa
Ấn tượng trước vẻ đẹp “mở màn” của Hòn Lớn, chúng tôi liền thuê tàu khám phá các đảo lân cận. Sau khi chuyển hành lý từ chở khách sang tàu nhỏ, chúng tôi háo hức lên đường. Còn gì tuyệt vời hơn khi được ngồi trên con tàu băng băng tiến về phía trước, cảm nhận từng làn gió mát rượi bao phủ khắp thân thể vừa khám phá những hòn đảo lớn nhỏ cùng cây cối xanh mướt lần lượt hiện ra trước mắt, lại được chú lái tàu vui tính kể về lịch sử của Nam Du.
Nam Du có 21 hòn đảo lớn nhỏ, được ví như là Hạ Long của miền Nam. Hiện chưa rõ tên gọi Nam Du xuất phát từ đâu nhưng có nguồn cho rằng tên “Nam Du” xuất phát từ tên “Nam Dự” (nghĩa là “đảo phía nam”) do người Pháp ghi theo cách gọi của các cụ đồ nho thời xưa. Trong dân gian còn lưu truyền các câu nói rất thú vị về 21 đảo trong hệ thống quần đảo Nam Du.
Nam Du có 21 hòn đảo lớn nhỏ
Nam Du có 21 hòn đảo lớn nhỏ

"Hòn Mấu đâm thấu Đô Nai
Đô Nai quay sang Bờ Đập
Bờ Đập tấp lại hòn Lò
Hòn Lò mò đến hòn Ngang
Hòn Ngang tạt sang hòn Đụng
Hòn Đụng cụng vào hòn Dầu
Hòn Dầu nằm chầu Bỏ Áo
Bỏ Áo tháo ngược hòn Ông
Hòn Ông dông đến hòn Dâm
Hòn Dâm đâm thẳng hòn Tre
Hòn Tre te đến hòn Mốc
Hòn Mốc xốc lại hòn Nhàn
Hòn Nhàn tràn thẳng hòn Hàn
Hòn Hàn quàng cổ ba hòn Nồm
Hòn Nồm chồm đại lên hòn Khô
Hòn Khô vô bãi Chệt
Bãi Chệt lết lên hòn Lớn". 
 
Như Vịnh Hạ Long của miền Nam
Như Vịnh Hạ Long của miền Nam
Sau một hồi lênh đênh trên biển, tàu tấp vào Hòn Ngang. Nước biển một màu xanh ngọc bích, cộng với quang cảnh hoang sơ như một bức tranh đẹp làm chúng tôi không kìm được nữa, liền nhảy xuống tắm. Lặn ngụp một hồi thỏa thích trong dòng nước trong vắt nhìn rõ đáy biển, chúng tôi rời Hòn Ngang để đến Hòn Dầu vì nghe nói nơi đây hải sản rất tươi ngon, là chỗ lý tưởng để dừng chân vào chiều tối.
Vẻ đẹp thiên đường ở Nam Du
Vẻ đẹp thiên đường ở Nam Du
 Đúng như lời giới thiệu, khi tới nơi chúng tôi đã thấy những chiếc ghe đánh bắt hải sản đang tấp vào bờ. Người ngư dân với bàn tay thô ráp thoăn thoắt hốt từng đám cá, mực, ốc đổ rào rào vào thau. Nhìn cá còn quẫy đuôi tanh tách, những con ốc biển thân mình óng ánh bò lên thành chậu làm chúng tôi thật phấn khích.
 
Không gian tĩnh lặng
Không gian tĩnh lặng
Để tăng thêm phần thú vị cho chuyến đi, chúng tôi quyết định không ăn ngay tại đó mà mua về rồi kiếm một chỗ thanh vắng trên đảo để đốt lửa làm một bữa BBQ "dã chiến". Vị ngọt lừ của tôm, mực, ốc biển tươi đã cho chúng tôi một bữa tối thỏa thê mang đậm hương vị biển, sẵn sàng cho việc khám phá một trong những hòn đảo đẹp nhất Nam Du vào ngày hôm sau – Hòn Mấu.
Khi ánh bình minh vừa le lói qua những mảnh lưới đánh cá treo vắt vẻo trên sào, chúng tôi hăm hở lên thuyền. Dưới cái nắng rực rỡ trong lành buổi sớm mai, bầu trời xanh cao vời vợi cùng những đám mây trắng trôi lững lờ, Hòn Mấu hiện ra đẹp đến ngỡ ngàng.
 
Vẻ đẹp yên bình của vùng biển phía Nam
Vẻ đẹp yên bình của vùng biển phía Nam
Trên mặt biển bao la xuất hiện những hòn đá nhấp nhô đủ mọi hình thù, bề mặt lởm chởm, sần sùi tạo nên bức tranh kỳ vĩ. Kỳ vĩ nhưng thật yên bình vì mặt biển ở đây rất tĩnh lặng, sóng chỉ lăn tăn đủ làm gợn dòng nước chứ không đánh ào ạt như những nơi khác.

Bình minh trên biển Nam Du
Bình minh trên biển Nam Du
Thú vị nhất là khi nắng lên cao, ánh mặt trời chiếu xuống làn nước trong những khe đá, màu nước gặp ánh nắng phản chiếu với màu đen của đá thành trắng xóa, bàng bạc, nhìn từ xa hệt những làn khói trắng bay lơ lửng trên thiên đình như trong phim Tây Du Ký. Xa xa phía bờ là làn nước trong veo soi bóng những hòn sỏi nhiều màu sắc, nơi người ta chỉ muốn nằm dài ngâm mình ngắm nhìn cây cối xanh mướt cùng những tán lá dừa bay bay trong gió.
 Nơi chúng tôi đến chỉ lưa thưa vài chục nóc nhà, mái tôn mái lá mộc mạc khép nép bên những hàng dừa. Hầu như nhà nào cũng có những cây cột thật cao, cây sào thật dài treo lủng lẳng mảnh lưới trắng xóa.
  
Góc nhìn bình dị lạ thường
Góc nhìn bình dị lạ thường

Người dân nơi đây chủ yếu sống bằng nghề chài lưới, cuộc sống còn nghèo khó, cơ cực, đến nỗi nhiều chỗ không có được một con đường theo đúng nghĩa. Muốn đi từ đầu này đến đầu kia, người ta phải men theo một lối mòn nằm giữa những ngôi nhà với nhau.
Rời Hòn Mấu, chúng tôi lên thuyền qua hòn Hai bờ đập. Con thuyền lướt sóng yên ả giữa những tia nắng cuối cùng, mang theo một màu vàng rực. Tới Hai bờ đập, mặt trời ngày càng xuống thấp. Do nước cạn quá, tàu không thể vào bờ được, chúng tôi đành lội nước, vận chuyển hành lý vào bờ. Sau gần 30 phút vật lộn với gió biển, cát ướt, chúng tôi cũng tới được bờ.
Những mệt mỏi chỉ tan biến khi một đống lửa to được đốt lên để chuẩn bị cho bữa tiệc tối tưng bừng giống đêm trước. Nhưng không còn la cà, lần này chúng tôi tranh thủ nghỉ ngơi để đón ánh bình minh của buổi sớm hôm sau.

Đón Bình minh vào sáng sớm
Đón Bình minh vào sáng sớm

Đúng là không gì tuyệt vời hơn khi đón bình minh trên biển, nhất là một nơi có biển đẹp mơ màng như Nam Du. Sau đó, chúng tôi ăn sáng và tắm biển, dọn dẹp hành lý, chờ tàu đón về Hòn Lớn, từ đây chúng tôi lên tàu cao tốc về lại Rạch Giá, rồi lên xe về lại Sài Gòn, kết thúc chuyến đi tuyệt vời.
 Nếu bạn từng trầm trồ trước vẻ đẹp tuyệt mỹ của Maldives, thì tôi tin chắc bạn sẽ ngất ngây trước vẻ đẹp của Nam Du.
Theo Khải Nguyễn

  • Digg
  • Del.icio.us
  • StumbleUpon
  • Reddit
  • RSS

Những lưu ý khi đi du lịch dịp Lễ

Đi chơi xa trong dịp lễ 30 tháng 4 và 1 tháng 5, du khách thường phải chịu cảnh đông đúc, xô bồ tại các điểm du lịch; chất lượng các dịch vụ kém; giá cả bị đẩy lên cao, v.v. Ngay từ bây giờ các bạn nên chú ý, thực hiện một số chuẩn bị như sau:
Du lịch bụi
Đặt trước các dịch vụ:
Việc đặt trước các dịch vụ giúp du khách chủ động về lịch trình và thời gian đi, đồng thời hạn chế được tình trạng “chặt chém” về giá trong dịp lễ. Các dịch vụ mà du khách nên đặt trước là phương tiện đi lại (xe, máy bay, tàu,…), dịch vụ lưu trú,… Du khách có thể liên hệ trực tiếp với đơn vị cung cấp dịch vụ hoặc thông qua các đại lý, công ty du lịch, các website đặt dịch vụ trực tuyến để đặt.
Chuẩn bị tâm lý, sức khỏe:
Đi chơi vào dịp lễ 30/4 và 1/5, du khách khó có thể tránh khỏi những cảnh đông đúc, xô bồ… vì thế cách tốt nhất là bạn nên chuẩn bị tâm lý (chấp nhận những bất tiện trong sinh hoạt) và một sức khỏe tốt, điều này sẽ giúp du khách cảm thấy dễ chịu hơn, bớt bức xúc trước những tình cảnh không được thoải mái. Bạn nên mang theo người một số loại thuốc thông dụng như chống say xe, nhức đầu, mệt mỏi, đau bụng,…
Thời gian đi lại:
Thông thường mọi người thường lên đường về quê, hoặc du lịch vào sáng 30/4; điều này dẫn đến tình trạng quá tải trên các tuyến đường. Để tránh được tình trạng này du khách có thể khởi hành sớm hơn (tối 29/4 chẳng hạn) hoặc muộn hơn (trưa 30/4).
Điểm đến:
Vào dịp lễ 30 tháng 4 và 1 tháng 5 các trung tâm du lịch như Vũng Tàu, Phan Thiết, Nha Trang, Đà Lạt… luôn quá tải. Du khách nên chọn cho mình những điểm đến ít “nóng” hơn như về miền Tây, Tây nguyên, Hàm Tân (Bình Thuận)…
Hành lý:
Nên mang hành lý gọn nhẹ, hạn chế tối đa các vật dụng không cần thiết cho chuyến đi.
Tiền bạc:
Chỉ đem một số tiền mặt vừa đủ chi dùng dọc đường; các khoản chi khác ở nơi đến như tiền khách sạn, chi phí tiệc tùng (nếu có) và mua sắm… du khách nên dùng các loại thẻ ATM hoặc thẻ tín dụng để thanh toán. Mang theo số tiền mặt lớn sẽ dễ gặp nhiều phiền toái. Tất nhiên, trước khi đi, bạn nên tìm hiểu về nơi đến có thể thanh toán bằng thẻ tín dụng hoặc rút tiền ATM có dễ dàng không.
Mua bảo hiểm du lịch:
Đây là việc làm rất cần thiết khi đi chơi xa nhà, nhưng còn khá lạ lẫm với suy nghĩ của đa số người Việt. Mua bảo hiểm chính là mua sự an tâm, là đổi lấy cái sự không chắc chắn có khả năng xảy ra thiệt hại bằng sự chắc chắn thông qua việc bù đắp bằng tài chính từ các công ty bảo hiểm.


Nguồn: Du Lịch Bụi

  • Digg
  • Del.icio.us
  • StumbleUpon
  • Reddit
  • RSS

Du lịch Cà Mau phần 1: Di tích lịch sử văn hóa

Cùng Du lịch BỤI điểm qua những điểm du lịch di tích lịch sử văn hóa của tỉnh Cà Mau.

1. Hồng Anh Thư Quán
Hồng Anh Thư Quán
Hồng Anh Thư Quán
Vào thập niên 20 của thế kỷ XX, khi phong trào cách mạng dâng cao ở khắp nơi trong cả nước, tại tầng 2 nhà số 43 đường Phạm Văn Ký, phường 2,Thành phố Cà Mau (ngày nay) đã hình thành cơ sở chi hội hoạt động cách mạng là Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội có tên là Hồng Anh Thư Quán. Nơi đây có nhiệm vụ tuyên truyền giáo dục tư tưởng chủ nghĩa Mác – Lênin trong lòng mọi tầng lớp nhân dân, tạo mọi điều kiện thuận lợi để cơ sở của Đảng Cộng sản được ra đời tại Cà Mau. Hồng Anh Thư Quán đã từng là hiệu sách của chi hội, cung cấp các loại sách, báo tiến bộ được xuất bản tại Sài Gòn, trong đó có “Tư Bản Luận” của Mác và Ăng-ghen. Năm 1992, Hồng Anh Thư Quán được Bộ Văn Hóa Thông Tin công nhận là di tích lịch sử cách mạng.
Địa chỉ: số 43 Phạm Văn Ký P.2 Tp. Cà Mau

2. Quan Âm Cổ Tự
Quan Âm Cổ Tự
Quan Âm Cổ Tự
Quan Âm Cổ Tự tọa lạc tại số 84/4 đường Rạch Chùa phường 4 thành phố Cà Mau. Chùa do hòa thượng Tô Quang Xuân dựng và khoảng giữa thế kỷ XIX. Lúc bấy giờ, chùa là một am nhỏ để Ngài tu hành và chữa bệnh cho dân. Sau này Ngài về tu tại chùa Kim Chương (Gia Định) và lấy pháp hiệu là Trí Tâm. Năm 1842 vua Thiệu Trị sắc phong Hòa Thượng cho Ngài và sắc tứ cho Chùa Quan Âm.
Kiến trúc ngày nay của chùa do Hòa Thượng Thiện Tường và Thiện Đức xây dựng vào năm 1936. Trong chùa ngoài “Sắc Tứ Quan Âm Cổ Tự” và tháp Hòa Thượng Trí Tâm còn có một số hiện vật như: tượng phật, tượng Bồ Tát, tượng La Hán, các bức hoành phi, câu đối và nhiều đồ thờ phụng khác như những di vật Phật giáo của thời kỳ khẩn hoang. Mặc dầu không phải là một công trình kiến trúc đồ sộ nhưng đây là một nơi gắn liền với đời sống tâm linh của người dân Cà Mau. Đặc biệt, trong thời kỳ chiến tranh, đây là nơi nuôi dấu các chiến sỹ cách mạng và không ít các nhà sư của Quan Âm cổ tự thành liệt sỹ. Sắc Tứ Quan Âm Cổ Tự được Bộ Văn Hóa Thông Tin công nhân là di tích lịch sử, kiến trúc vào năm 2002.

3. Chùa Bà Mã Châu
Chùa Bà Mã Châu
Chùa Bà Mã Châu
Chùa Bà Mã Châu nằm trên đường Lê Lợi ngay trung tâm thương mại của thành phố Cà Mau. Chùa được xây dựng từ năm 1882, chùa là biểu tượng văn hóa tâm linh của người Hoa nơi đây. Chùa thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu, người quê Phù Điều, Phúc Kiến, Trung Quốc. Tương truyền Bà sinh sống vào khoảng cuối thế kỷ thứ X. Cả cuộc đời Bà dành để cứu giúp dân nghèo và sau khi qua đời Bà tiếp tục độ cho ngư dân vượt qua bão táp, hoạn nạn tới chốn bình yên. Nhờ tài năng, đức độ Bà được nhân dân tôn thờ là “Thần Biển” và đến đời vua Càng Long nhà Thanh đã phong cho Bà là Thiên Hậu Thánh Mẫu. Chùa có nét kiến trúc cuối đời Minh, với hình quả ấn nhìn từ chính điện. Mái chùa có những đầu đao cong vút. Bên trong lại có lối kiến trúc Thiên tình (Giếng trời). Chùa cất bằng chất liệu bền vững với các bệ đá được chở từ cảng Hạ Môn – Phúc Châu (Phúc Kiến). Các bệ đá này ngày nay vẫn bền chắc,dù đã trải qua bao thế hệ tồn tại. Hàng năm nhân dân trong vùng đến chùa Bà để tham quan, chiêm bái, tạ ơn, cầu an rất đông. Đặc biệt vào ngày vía Bà 23/3 âm lịch (tương truyền là ngày sinh của Bà ).

4. Chùa Hưng Quảng
Chùa Hưng Quảng
Chùa Hưng Quảng

Chùa Hưng Quảng tọa lạc ở số 26 đường Phan Ngọc Hiển, ngay trung tâm thành phố Cà Mau. Chùa được xây dựng từ những năm 1950 thuộc Tịnh Đô Cư Sĩ Phật hội Việt Nam và được trùng tu năm 1963. Có thể nói đây là một trung tâm khám chữa bệnh từ thiện, vì trong chùa có lập phòng thuốc nam Phước Thiện từ năm 1954 và đã hoạt động cho đến nay.

5. Chùa Monivonsa BoPharam (Chùa Khmer)
Chùa Monivonsa BoPharam
Chùa Monivonsa BoPharam

Chùa Khmer tọa lạc ngay trung tâm thành phố Cà Mau. Chùa là một quần thể kiến trúc mang đậm nét văn hóa của người Khmer Nam Bộ, thể hiện ở những họa tiết độc đáo nơi mái vòm, các hàng cột, vách… Chùa gồm chính điện, sala, nhà ở của các sư sãi, tháp để cốt, am…Chính điện là nơi thờ tự chính trong chùa, nằm ở vị trí trung tâm khuôn viên trên nền cao 1.5m, Chính điện được chia làm nhiều cấp, bậc và có hành lang bao quanh. Bên trong chính điện là hai hàng cột cao và to nâng đỡ mái chùa. Mái chùa được cấu trúc thành nhiều tầng lớp chồng lên nhau, tỏa ra khoảng không gian cao vút, hòa với đỉnh nhọn như một chóp tháp. Bên trong Chính điện là một bàn thờ Phật với một tượng Phật to lớn đặt cao hơn hết. Bên dưới là tượng Phật trong nhiều tư thế khác nhau, các thời kỳ hóa thân của Phật. Bàn thờ Phật được trang trí với nhiều hoa văn, điêu khắc phong phú. Trên vách, trên trần và các cột chùa được trang trí bằng nhiều màu sắc, bằng các phù điêu bích họa. Đặc biệt là các bích họa kể lại cuộc đời của đức Phật và chuyện Riêm – kê, tức trường ca Ra-ma-za-ma do họa nhân Danh Bên ở Cà Mau khắc họa.
Sala là nhà hội của sư sãi và các tín đồ Phật giáo Khmer. Trong gian sala có bàn thờ Phật và các ghế, sàn là nơi các tín đồ bàn bạc, chuẩn bị trước khi lên Chính điện hành lễ. Trên vách và trần sala được trang trí các họa tiết, bích họa. Chùa có khu vực hỏa thiêu với một nhà thiêu kiến trúc đơn giản, nằm xa trung tâm chùa. Tháp để cốt được xây dựng trong khuôn viên chùa, quanh chính điện. Ngoài nhiệm vụ chính là thực hiện các hoạt động tôn giáo, chùa còn là trung tâm văn hóa giáo dục dành cho người Khmer sống quanh vùng. Trong khuôn viên chùa có trường dạy chữ Khmer, dạy kinh…, là nơi lưu giữ các tập truyên kể dân gian xưa và nay, các vốn văn hóa truyền thống. Đối với dân tộc Khmer, tính cộng đồng rất cao, ngôi chùa là nơi thiêng liêng nhưng cũng rất gần gũi.
Khi vào chùa, khách thăm viếng nhớ phải bỏ mũ nón, đi chân không. Chùa là nơi thể hiện rõ nét những tập tục, cũng như những bản sắc văn hóa của dân tộc Khmer Nam Bộ.
Từ năm 1985 đến nay, Đại đức Thích Hà – Trưởng ban đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Cà Mau giữ trụ trì, với sự tín nhiệm của cộng đồng Khmer và uy tín với xã hội đã giúp cho chùa nói riêng và bà con dân tộc Khmer nói chung có nhiều chuyển biến tích cực. Được sự quan tâm của chính quuyền địa phương cũng như đồng bào Phật tử trong và ngoài nước ủng hộ vật chất góp công sức xây dựng Chính điện, dự kiến khánh thành vào năm 2008. Đây sẽ là chính điện lớn nhất của tỉnh Cà Mau và là chính điện có kiến trúc độc đáo nhất của người Khmer Nam Bộ.
Hàng năm vào ngày 30/8 và 1/9 Âl diễn ra lễ Sendolta là lễ hội lớn nhất trong năm của người Khmer.
Địa chỉ: Đường Lý Văn Lâm, P.1, Tp Cà Mau

6. Minh Nguyệt Cư Sĩ Lâm
Minh Nguyệt Cư Sĩ Lâm
Minh Nguyệt Cư Sĩ Lâm
Những người Hoa di cư vào đất Cà Mau từ rất sớm, theo sự truyền tụng từ lâu đời người Hoa vào đất Cà Mau lập nghiệp từ hai con đường, thứ nhất là đường biển với những con tàu cập bến Hà Tiên rồi đi qua Cà Mau sinh sống, thứ hai là đường bộ từ Đồng Nai, Biên Hòa tràn xuống vùng đất miền Tây hoang sơ này. Một đặc tính của người Hoa là dù đi bất kỳ nơi đâu vẫn phát huy và phát huy có tác dụng cho cộng đồng: đó là sự kết hợp với nhau thành hội đoàn, những Hội đoàn này có thể theo họ hàng hoặc vùng miền nơi cố hương. Chính những cộng đồng có tính bền vững này mà họ đã tương trợ lẫn nhau nơi đất khách quê người, cùng nhau thăng tiến. Ngay tại chính mãnh đất Cà Mau này, những người Hoa đầu tiên cũng họp nhau thành những nhóm, cùng nhau chọn mãnh đất màu mỡ này làm quê hương thứ hai – quê hương mà họ sẽ gắn bó trọn cuộc đời còn lại của mình. Đã là quê hương thì có nơi sinh hoạt cộng đồng, nơi làm chốn nương thân cho cõi tâm linh của mình để mơ về một cuộc sống tâm hồn bình ổn hơn.
Ngay từ những buổi sơ khai, những người Hoa ở phường 2 Thành phố Cà Mau bây giờ đã cùng nhau tạo dựng nên một Minh Nguyệt Cư Sĩ Lâm – một ngôi chùa theo đạo Phật nhưng thuộc hệ phái cư sĩ – một hệ phái tu tại gia, hệ phái lấy tu tại tâm là chính yếu bởi sự suy cho cùng, Phật chẳng đâu xa, Phật luôn trú ngụ trong mỗi tâm hồn của chúng ta (theo kinh Phật).
Minh Nguyệt Cư Sĩ Lâm còn là nơi sinh hoạt cộng đồng của những người Hoa quanh vùng. Qua bao nhiêu biến cố, Minh Nguyệt Cư Sĩ Lâm đã được tái tạo một cách nghiêm trang như ngày nay. Minh Nguyệt Cư Sĩ Lâm ngoài việc thờ phượng chính là Đức Phật Quan Thế Âm Bồ Tát – theo truyền thuyết của đạo Phật, một vị Bồ Tát luôn xuất hiện giúp đỡ con người trong những cơn nguy khốn của cuộc đời, thì Minh Nguyệt Cư Sĩ Lâm còn thờ những tổ tiên người Hoa xưa kia..
Minh Nguyệt Cư Sĩ Lâm tọa lạc ngay bến Bạch Đằng phường 2 Thành phố Cà Mau.

7. Thánh Thất Cao Đài
Thánh Thất Cao Đài
Thánh Thất Cao Đài
Ở Cà Mau đạo Cao đài được hoạt động khá sớm. Những tín hữu của đạo đã cùng nhau xây dựng một Thánh thất bề thế tại phường 5 vào năm 1960. Thánh thất được phân ra làm 3 khu vực chính: phía ngoài là Hiệp Thiên đài là nơi giữ luật đạo, nơi này được thông thiên với đức chí tôn. Ngay giữa Thánh Thất được gọi là Cữu Trùng đài – đây là cơ quan hành đạo. Phía trong là Bát Quái đài, nơi thờ phương những linh hồn…
Thánh Thất Cao đài nơi nào cũng có một tháp chuông và một tháp trống bát nhã làm tôn vinh vẻ đẹp uy nghi cho Thánh thất.
Đạo cao đài thờ Thiên Nhãn và xem đây là con mắt của đấng tối cao nhìn xuyên suốt mọi sự hiện hữu và vô hình của vũ trụ. “Thiên Nhãn” được dùng làm biển hiệu cho đạo. Đặc biệt Đạo cao đài thờ cả Phật, Chúa, Khổng tử, Lão tử, Trang tử, Tiên, Thánh…
Cũng như với những đạo khác, đạo hữu cao đài cũng có một nơi để gửi gắm cõi tâm linh cho riêng mình.
Địa chỉ : Phan Ngọc Hiển, phường 5, Tp Cà Mau

8. Đình Tân Hưng
Đình Tân Hưng
Đình Tân Hưng

Đình Tân Hưng thuộc ấp Xóm Lớn, xã Lý Văn Lâm, Tp. Cà Mau, tỉnh Cà Mau, cách trung tâm Tp. Cà Mau 4km về phía nam, trên tuyến kênh rạch Rập, đường đi huyện Cái Nước.
Đình được bộ Văn hoá Thông tin công nhận là di tích năm 1992. Đình được xây dựng năm 1907, trải qua thời gian chiến tranh, đình bị hư hỏng toàn bộ. Trên nền đó, người dân địa phương cho dựng một ngôi đình khác nhỏ hơn gồm một gian hai chái, mái lợp ngói âm dương, trên nóc đúc hai rồng chầu. Phía trước đình có bức bình phong bằng gạch đắp hình hổ, hai bên có hai trụ gạch vuông, đỉnh trụ đắp hình hai bông sen. Hai bên sân có hai miếu thờ nhỏ.
Đình Tân Hưng là nơi treo cờ Đảng Cộng sản Đông Dương đầu tiên tại Cà Mau (năm 1930). Đây còn là nơi đóng quân của Bộ chỉ huy Mặt trận Tân Hưng, mặt trận chống Pháp tại Cà Mau.
Ngày nay, để ghi dấu di tích cách mạng này Ngành Văn hóa đã cho đắp một bức phù điêu và xây dựng một nhà Lưu niệm mặt trận Tân Hưng để nhân dân khắp nơi về đây thưởng lãm và nhớ về một truyền thống hào hùng của cha anh.

9. Chùa Cao Dân
Chùa Cao Dân
Chùa Cao Dân nằm bên bờ sông Bạch Ngưu xã Tân Lộc huyện Thới Bình, 
chùa Cao Dân là một trong những ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer có truyền thống cách mạng lâu đời – là nơi nuôi dấu cán bộ hoạt động trong hai cuộc kháng chiến và cũng là điểm sinh hoạt cộng đồng, tín ngưỡng tôn giáo của người Kinh, người Khmer quanh vùng. Tại đây có rất nhiều vị sư và achar đã trưởng thành trong cách mạng, nhiều người trở thành cán bộ chủ chốt của Đảng, tiêu biểu là cố Đại Đức Hữu Nhem người trùng tu chùa Cao Dân.

Chùa Cao Dân là nơi gắn liền với cuộc đời tu học và hoạt động của Đại Đức Hữu Nhem. Tại ngôi chùa này trong thời gian trụ trì Đại đức Hữu Nhem đã góp phần to lớn trong việc kiến thiết xây dựng chùa cũng như xây dựng cơ sở bí mật và vận động cách mạng trong đồng bào người dân tộc, cùng với việc thực hiện nhiều chính sách binh vận của Đảng… Tự hào về nhà sư, liệt sĩ Hữu Nhem, Tỉnh Ủy,Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Cà Mau quyết định xây dựng tháp cố Đại đức Hữu Nhem tại chùa Cao Dân.


Chùa Cao Dân được xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh vào ngày 11 tháng 10 năm 2007.

Tổng hợp: Chí Tình

  • Digg
  • Del.icio.us
  • StumbleUpon
  • Reddit
  • RSS