____Du lịch BỤI____

RSS

Phát triển du lịch sinh thái cộng đồng ở Phong Nha - Kẻ Bàng

10 năm, kể từ khi Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, công tác bảo tồn, gìn giữ di sản đã thu được những thành tựu quan trọng. Cũng trong thời gian đó, du lịch Phong Nha – Kẻ Bàng đã có bước tiến dài. 
du lịch sinh thái cộng đồng ở Phong Nha - Kẻ Bàng
Tuy nhiên, để giữ gìn một di sản cho nhân loại không chỉ cho hiện tại mà cả trong tương lai cần phải tính đến một chiến lược lâu dài, giải quyết tốt mối quan hệ  giữa bảo tồn, gìn giữ di sản với phát triển kinh tế du lịch ở Phong Nha – Kẻ Bàng. Đó là chiến lược phát triển bền vững mà biện pháp tích cực nhất là phát triển du lịch sinh thái cộng đồng ở Phong Nha – Kẻ Bàng.

Du lịch sinh thái (DLST) đã và đang phát triển nhanh chóng trong những thập kỷ qua tại nhiều quốc gia trên thế giới. Đó là loại hình du lịch có khả năng phát triển bền vững với đặc trưng là dựa vào thiên nhiên, có kèm theo giáo dục và trình diễn môi trường thiên nhiên, có quản lý để bảo tồn sinh thái bền vững.
Tuy nhiên, để phát triển loại hình DLST một cách bền vững không thể không gắn kết với yếu tố cộng đồng, vì thế khái niệm Du lịch sinh thái cộng đồng  được sử dụng để đề cao sự tham gia của người dân địa phương vào quản lý và phát triển du lịch sinh thái. Cộng đồng ở đây được hiểu là cư dân bản địa, cư dân sống ở khu vực di sản nơi được tổ chức khai thác du lịch.
1. Vai trò của cộng đồng với việc phát triển du lịch sinh thái.
Cộng đồng đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển du lịch sinh thái bởi những yếu tố sau đây :
1.1. - Cộng đồng là những chủ nhân thực sự, những người am hiểu khu vực tổ chức du lịch sinh thái hơn ai hết. Những thập kỷ qua khi nói đến việc khảo sát, thăm dò vùng núi vôi Phong Nha – Kẻ Bàng chúng ta thường nói đến đến những nổ lực của các nhà khoa học. Ở Phong Nha – Kẻ Bàng, đó nhà thám hiểm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX như L.Ca-đi-e, Baton, E Sulluy, M. Boufier, Antoni… họ là những người đầu tiên giới thiệu Phong Nha – Kẻ Bàng trên các tờ báo và tạp chí trong nước và thế giới. Cuối thế kỷ XX, với sự hợp tác của các nhà khoa học trường Đại học Quốc gia Hà Nội và Hội Hang động Hoàng gia Anh việc khảo sát hang động vùng đá vôi Phong Nha - Kẻ Bàng được triển khai với quy mô lớn hơn, phát hiện được nhiều hang động đẹp. Cùng với những đóng góp của các nhà địa chất, hang động là những nổ lực to lớn của các nhà sinh vật học, lâm học các nhà khoa học xã hội, nhân văn trong nước và trong tỉnh để có hồ sơ trình tổ chức UNESCO công nhận di sản thiên nhiên thế giới. Tuy nhiên, sự nổ lực của các nhà thám hiểm, khoa học sẽ không có kết quả to lớn nếu không có sự cộng tác của cư dân địa phương. Những cuộc thám hiểm trước đây và những cuộc khảo sát gần đây vai trò của những người dân địa phương là hết sức to lớn. Họ là những người dẫn đường băng qua hoang mạc đá vôi đồ sộ và không ít trường hợp họ là những người phát hiện và giới thiệu cho các nhà khoa học tiến hành các cuộc khảo sát. Là những người bản địa, với sinh thái tự nhiên, họ biết vùng núi mình có cây gì, con gìquý hiếm ; với sinh thái nhân văn họ là chủ nhân của những phong tục tập quán, văn hóa của một vùng đất. Sự hiểu biết, am tường của người dân bản địa có vai trò rất quan trọng trong việc tổ chức du lịch sinh thái ở vùng núi Phong Nha – Kẻ Bàng.
1.2. - Cộng đồng là những người bảo vệ tài nguyên du lịch sinh thái một cách bền vững và hiệu quả nhất.
 Mối quan hệ giữa người dân bản địa và các nguồn tài nguyên thiên nhiên là một mối quan hệ gắn bó từ lâu đời. Ở nhiều nơi, người dân tại địa phương sử dụng tài nguyên thiên nhiên như phương tiện sống hay một kế sinh nhai của mình qua cách quản lý cục bộ và họ biết làm thế nào để bảo vệ, kiểm soát việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên để tránh tình trạng tàn phá tài nguyên đó. Cư dân bản địa là những người sống với tài nguyên sinh thái qua nhiều thế hệ. Họ bảo vệ tài nguyên vì sự sống còn của cộng đồng và chính bản thân mình. Tuy nhiên, do cuộc sống bức bách họ không quan tâm đến sự phát triển bền vững của mà chỉ vì cuộc sống thường nhật. Ở vùng Phong Nha – Kẻ Bàng vào những năm cuối thế kỷ XX, khi bắt đầu làm Hồ sơ Di Sản chúng ta cũng thật sự lo lắng về tệ nạn chặt phá rừng, săn bắt các loài thú quý hiếm. Hiện trạng lúc ấy đáng báo động và tổ chức quốc tế Quỹ bảo tồn thiên nhiên (WWF) nhiều lần cảnh báo. Từ khi trở thành Di sản thế giới, nạn phá rừng và săn bắt thú đã hạn chế nhiều nhưng còn đó những nguy cơ tiềm ẩn không thể không bảo vệ nghiêm ngặt, như vụ gỗ Huê năm 2012 là một điển hình. Sẽ không còn du lịch sinh thái nếu sinh thái bị tàn phá, tài nguyên bị khai thác cạn kiệt và từ đó sẽ dẫn đến không còn cả Di sản thế giới. Trách nhiệm đó là của cả xã hội, cả tỉnh, cả huyện, của chính quyền nhà nước nhưng trước hết và quan trọng nhất là của cư dân bản địa. Đề cao vai trò bảo vệ tài nguyên du lịch sinh thái đối với cộng đồng cư dân bản địa có ý nghĩa sống còn của việc tổ chức du lịch sinh thái ở vùng di sản Phong Nha – Kẻ Bàng.
1.3. - Cộng đồng là yếu tố quan trọng bậc nhất cho du lịch sinh thái phát triển.
Việc bảo tồn di sản luôn đi đôi với phát triển du lịch, nếu bảo tồn tốt thì sẽ thu hút du khách nhiều đến với du lịch sinh thái. Ngoài việc tham quan, du lịch đến với cảnh quan đẹp, đến với di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng, du khách ngày nay họ còn mong muốn được đến với thiên nhiên, đến với những sản phẩm du lịch mà ở đó việc bảo tồn thiên nhiên, tài nguyên và cảnh quan tự nhiên được bảo vệ tốt. Bên cạnh đó, du khách còn mong muốn hiểu biết những kiến thức bản địa, lối sống, văn hoá đích thực trực tiếp với người dân địa phương hơn là từ hướng dẫn viên du lịch từ nơi khác đến. Những lợi thế về kỹ năng, kinh nghiệm kiến thức bản địa của người địa phương khi được công nhận họ sẽ đóng góp tích cực hơn cho du lịch phát triển bền vững cũng như bảo tồn thiên nhiên tốt hơn. Những người dân bản địa là những người hàng ngày tiếp xúc với khác du lịch nếu đó là cộng đồng thân thiện, mến khách, có văn hóa ứng xử thì sẽ lưu lại trong lòng du khách những tình cảm tốt đẹp, họ không chỉ đến một lần mà nhiều lần và  nó cũng có sức lan tỏa, thu hút những người chưa một lần đến với Phong Nha – Kẻ Bàng. Ở những nơi con người không thân thiện, an ninh không bảo đảm chắc không ai dám gới thiệu bạn bè đến với vùng đất ấy. Yếu tố cộng đồng đóng vai trò rất quan trọng trong việc quảng bá du lịch sinh thái là một vấn đề cần quan tâm.
2. Những vấn đề cần quan tâm khi phát triển du lịch sinh thái cộng đồng ở Phong Nha – Kẻ Bàng.
Từ vai trò của cộng đồng xin  đề xuất những nội dung cần thiết để phát triển du lịch sinh thái Phong Nha - Kẻ Bàng:
2.1. - Phát triển cộng đồng.
Để phát triển du lịch sinh thái cộng đồng điều quan trọng trước hết là phải quan tâm phát triển cộng đồng dân cư bản địa. Phát triển cộng đồng một cách toàn diện bao gồm cả kinh tế, văn hóa, xã hội trong đó kinh tế là điều kiện tiên quyết nhất. Khi người dân có công ăn việc làm, đời sống của cộng đồng dân cư được cải thiện thì sẽ giảm tải áp lực tìm kế sinh nhai từ những tài nguyên của khu du lịch sinh thái. Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng là nơi có nhiều tài nguyên quý. Với hàng trăm loài thực vật, động vật quý hiếm có giá trị kinh tế lớn luôn là đối tượng tìm kiếm, săn lùng của cư dân trong vùng và cả những người nơi khác đến. Người dân địa phương từng nói: “thấy của rừng rưng rưng nước mắt”, biết là công việc nặng nhọc, có lúc nguy hiểm nhưng vì kế sinh nhai họ bất chấp mọi quy định bảo vệ ngang nhiên tàn phá rừng. Khi đời sống kinh tế khá lên, người dân có việc làm ổn định thì chắc chắn rằng sẽ giảm thiểu số người tàn phá rừng và đến một lúc nào đó người ta sẽ trân trọng bảo vệ rừng, coi rừng là báu vật chứ không phải là đối tượng khai thác.
Trong những năm vừa qua chúng ta đã có một số chương trình phát triển kinh tế xã hội ở vùng Phong Nha – Kẻ Bàng. Các địa phương ở vùng lõi như Tân, Thượng Trạch đã được nhà nước đầu tư xây các cơ sở y tế, trường học, nước sạch, nhà ở; đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt. Với các địa phương xung quanh Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng đã có Chương trình phát triển vùng đệm. Nhiều cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, đời sống nhân dân ngày một khá hơn. Tuy nhiên nhiều vấn đề cần được tiếp tục giải quyết như công ăn việc làm, năng suất lao động và một số vấn đề xã hội liên quan. Hiện nay Chính phủ có Chương trình xây dựng nông thôn mới, nên chăng cần có sự quan tâm đặc biệt hơn đối với vùng Phong Nha – Kẻ Bàng. Phát triển cộng đồng ở đây không chỉ vì bản thân cộng đồng đó mà là để bảo vệ một di sản của cả nước và của thế giới.
Cùng với việc phát triển kinh tế, chăm lo đời sống vật chất của người dân, để phát triển cộng đồng cần phải quan tâm đến phát triển văn hóa, giáo dục. Nâng cao trình độ văn hóa, trình độ nhận thức cho mỗi một người dân cũng là một yếu tố quan trọng để bảo vệ di sản. Về xã hội, một thực tế cho thấy nhiều địa phương ở vùng đệm Phong Nha – Kẻ Bàng có tỷ suất sinh khá cao, nhiều nhà sinh con thứ ba thứ tư hoặc nhiều hơn. Dân số cũng là một áp lực lớn trong phát triển cộng đồng và  đó cũng là một áp lực đối với việc bảo tồn giữ gìn nguồn tài nguyên rừng không chỉ hiện tại mà cả trong tương lai.
2.2. - Giáo dục cộng đồng
          Giáo dục cộng đồng là một yêu cầu quan trọng để phát triển du lịch sinh thái cộng đồng. Nội dung của giáo dục cộng đồng bao gồm những nội dung sau:
2.2.1. - Làm cho cộng đồng biết được giá trị của di sản. Là những người gắn bó lâu dài với di sản qua nhiều thế hệ, họ có kiến thức bản địa nơi mình sinh sống nhưng không phải ai cũng biết những giá trị to lớn mà di sản đem lại và được thế giới thừa nhận. Khi Phong Nha – Kẻ Bàng được công nhận là Di sản thế giới không phải ai cũng biết đó là một di sản với kiến tạo địa chất ghi dấu quá trình tiến hóa của võ trái đất và cùng với tiêu chí được công nhận đó là sự đa dạng về sinh học và cảnh quan hang động đẹp của vùng núi đá vôi mà không phải nhiều nơi có được. Từ giá trị của di sản, mỗi người dân ở đây có quyền tự hào mình là chủ nhân thực sự từ đó đề cao trách nhiệm trong việc bảo tồn giá trị của di sản.
2.2.2- Giáo dục thực hành bảo vệ di sản. Khi đã trở thành di sản thế giới tổ chức UNESCO có Quy ước bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Phải làm cho mọi người hiểu được các điều khoản của Quy ước để có thái độ ứng xử đúng đắn với di sản. Việc giáo dục ý thức bảo vệ môi trường thiên nhiên, tài nguyên, sinh cảnh đối với cư dân bản địa có ý nghĩa quyết định cho sự bảo tồn vì họ là những người tiếp xúc và có tác động thường xuyên, hàng ngày với địa bàn. Từ việc giáo dục ý thức bảo vệ di sản chúng ta mới có điều kiện phát triển du lịch sinh thái một cách bền vững. Vì vậy, cần đưa chương trình giáo dục bảo vệ di sản, bảo vệ môi trường, cảnh quan vào cộng đồng nhất là trong đối tượng thanh thiếu niên, những chủ nhân tương lai của Phong Nha – Kẻ Bàng. Phải thấy rằng, kiến thức bản địa của người dân địa phương có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, sinh thái. Sống lâu năm với rừng, được truyền thụ qua nhiều thế hệ họ am tường quá trình sinh trưởng, môi trường phát triển của các loài cây, loài thú nếu làm tốt việc giáo dục thực hành thì những người ở địa phương sẽ có những đóng góp tích cực cho việc bảo tồn, bảo vệ di sản. Chúng ta đã có những biện pháp quản lý hành chính và những giải pháp mạnh có khi là cưỡng chế nhưng trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ chỉ được đề cao khi họ tự giác và coi đó là nhiệm vụ của mình. Cùng với việc giáo dục cộng đồng phải tuyên truyền, giáo dục đối với du khách, vì họ, tuy không gắn bó với môi trường thiên nhiên ở đây lâu dài, nhưng họ là số đông. Nếu không có trách nhiệm bảo vệ môi trường thì tác hại cũng rất ghê gớm và để lại hậu quả nặng nề.
2.2.3. - Cần có một chương trình giáo dục để mọi người hiểu hơn về du lịch sinh thái cộng đồng và tác động của nó. Phải làm cho mọi người hiểu du lịch sinh thái cộng đồng là gì; những lợi thế của du lịch sinh thái cộng đồng trong sự phát triển lâu dài để từ đó có sự tham gia của cộng đồng vào phát triển du lịch sinh thái. Bên cạnh đó, cần đào tạo những lĩnh vực mà họ thiếu kỹ năng và kiến thức trong việc tổ chức du lịch như hướng dẫn, thuyết minh, xác định loài cây, con thú, vệ sinh môi trường, ứng xử, tổ chức chương trình… để họ có thể tham gia trực tiếp vào việc tổ chức du lịch sinh thái cộng đồng.
2.3. - Cộng đồng tham gia quản lý và trực tiếp làm du lịch.
Hiện nay, du lịch sinh thái vì sự phát triển bền vững đang trở thành một trào lưu chính và phổ biến nhiều nơi trên thế giới. Nhiều đơn vị điều hành tuor, công ty du lịch cố gắng tiếp thị sản phẩm du lịch của mình như là du lịch sinh thái nhưng hoàn toàn không có nội dung du lịch sinh thái mà chỉ là một loại hình du lịch thông thường vì họ không quan tâm tới sự tham gia quản lý tài nguyên của cộng đồng bản địa. Du lịch sinh thái phải đề cao sự tham gia của người dân địa phương vào phát triển và quản lý du lịch. Ở Thái Lan, một nước du lịch phát triển mạnh, sự tham gia của người dân địa phương vào việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên đã được ghi vào Hiến pháp và  nhà nước khuyến khích người địa phương trực tiếp tìm các phương thức để quản lý các nguồn lực của mình vì lợi ích của mình hơn là cho người ngoài tất cả lợi ích và lợi thế. Điều này tạo cơ sở cho người dân địa phương tham gia vào sự phát triển du lịch để phát triển cộng đồng và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên.
Những năm qua, du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng đã có sự quản lý tốt từ phía nhà nước từ việc quy hoạch, kế hoạch và khai thác du lịch, song chúng ta chưa quan tâm đúng mức đến sự tham gia quản lý từ phía cộng đồng địa phương. Từ quan điểm môi trường và kinh tế, nếu người dân không tham gia thì khu vực bị khai thác quá mức và các nguồn tài nguyên du lịch bị tàn phá. Bằng cách để người dân địa phương tham gia vào việc ra quyết định, các chương trình du lịch có thể có trách nhiệm và bền vững hơn về lâu dài. Hiện nay chúng ta đang phát triển nhiều tuor, tuyến du lịch ở Phong Nha – Kẻ Bàng, là những người hiểu biết đường đi lối lại, điều kiện môi trường, sinh thái nếu được tham gia họ sẽ có những đóng góp những ý kiến quý báu cho sự phát triển bền vững lâu dài.
Bên cạnh việc tham gia quản lý, cần khuyến khích cộng đồng địa phương tham gia trực tiếp vào các hoạt động du lịch ở địa phương. Hoạt động du lịch hiện nay ở Phong Nha – Kẻ Bàng chủ yếu là loại hình du lịch, tham quan hang động của nhà nước và công ty tư nhân ngoài địa phương (Tập đoàn Trường Thịnh). Người dân bản địa chỉ được tham gia một số hoạt động mang tính làm công (chèo thuyền, chụp ảnh) và đôi khi các công ty du lịch đối xử họ như đối xử với đối tượng làm thuê, mang tính ban ơn, chiếu cố trong khi họ chính là những chủ nhân thực sự của của di sản, của cả tuyến du lịch. Hoạt động du lịch sinh thái ở Phong Nha – Kẻ Bàng không phải và càng không chỉ là du lịch hang động mà bao gồm nhiều sản phẩm du lịch khác. Yếu tố cảnh quan, môi trường, sinh thái (tự nhiên và nhân văn), văn hóa và lịch sử chưa được quan tâm khai thác bao nhiêu. Cần khuyến khích người dân địa phương tổ chức chương trình du lịch của mình, biến những làng bản, sinh hoạt văn hóa cộng đồng  thành những sản phẩm du lịch. Họ có thể trở thành hướng dẫn viên và có quyền thu nhập từ những dịch vụ du lịch như nghỉ trọ, cung cấp thức ăn, các sản phẩm nông nghiệp…
2.4. - Quản lý nhà nước trong phát triển du lịch sinh thái cộng đồng ở Phong Nha – Kẻ Bàng
Để có di lịch sinh thái phát triển bền vững phải có sự đóng góp của các thành phần tham gia hoạt động du lịch là lượng kinh doanh du lịch, du khách, cộng đồng dân cư địa phương và nhà nước. Nhà nước thực hiện chức năng quản lý hoạt động du lịch thông qua các tổ chức của mình bao gồm các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan nghiên cứu, chính quyền địa phương. Để phát triển du lịch sinh thái cộng đồng ở Phong Nha – Kẻ Bàng cần phải chú trọng các vấn đề sau:
2.4.1. - Phải xây dựng quy hoạch, kế hoạch tổng thể phát triển du lịch cộng đồng ở Phong Nha – Kẻ Bàng. Để bảo đảm cho sự phát triển bền vững lâu dài nhất thiết phải có một kế hoạch hành động chung vừa bảo tồn, gìn giữ di sản vừa để phát triển du lịch, tránh tình trạng mạnh ai nấy làm, coi trọng khai thác, coi nhẹ việc bảo tồn. Nếu đứng trên quan điểm bảo vệ di sản theo quy ước của UNESCO thì du lịch chỉ là phương tiện chứ không phải là mục đích nên trong quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch ưu tiên hàng đầu vẫn là bảo tồn di sản Phong Nha – Kẻ Bàng. Quy hoạch và quản lý theo quy hoạch bao gồm nhiều việc phải làm nhưng đối với vùng Phong Nha – Kẻ Bàng cần ưu tiên quy hoạch bảo vệ rừng, tài nguyên rừng là vấn đề quan trọng nhất. Nếu không bảo vệ được rừng và tài nguyên rừng của Vườn Quốc gia thì Phong Nha - Kẻ Bàng sẽ trở thành một di sản có nguy cơ bị loại bỏ và lúc đó cũng sẽ không còn du lịch sinh thái tại địa bàn.
2.4.2. - Đầu tư thích đáng cho công tác bảo tồn, giữ gìn các giá trị của di sản. Nên thành lập Quỹ bảo tồn từ các nguồn thu để chăm lo cho việc bảo tồn Di sản Phong Nha –Kẻ Bàng. Tiếp tục nghiên cứu đánh giá các giá trị của Phong Nha – Kẻ Bàng nhất là giá trị về đa dạng sinh học, trên cơ sở đó xây dựng một chiến lược phát triển du lịch hợp lý nhất là du lịch sinh thái cộng đồng cần được ưu tiên phát triển để bảo vệ tính bền vững của khu di sản.
2.4.3. - Nhà nước cần quan tâm hơn nữa đến công tác phát triển cộng đồng, giáo dục cồng đồng, nâng cao dân trí tạo điều kiện cho người dân địa phương tham gia quản lý và trực hoạt động du lịch. Nhà nước cần điều hành các hoạt động du lịch giữa các khu vực kinh tế, các đơn vị làm du lịch tại địa bàn một cách hợp lý, tránh sự cạnh tranh bất cứ giá nào làm tổn hại đến di sản. Điều hòa lợi ích thu được từ du lịch trong đó cần ưu tiên phát triển cộng đồng ở Phong Nha - Kẻ Bàng, những chủ nhân thực sự, lâu dài của di sản thiên nhiên thế giới này.
           Di sản thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng đã và đang trở thành một thế mạnh của du lịch Quảng Bình. Để du lịch Phong Nha – Kẻ Bàng phát triển bền vững cần có một chiến lược phát triển du lịch sinh thái cộng đồng, đề cao yếu tố cộng đồng trong sự phát triển là điều không thể không quan tâm.

  • Digg
  • Del.icio.us
  • StumbleUpon
  • Reddit
  • RSS

0 nhận xét:

Đăng nhận xét